Hàng rào kỹ thuật của thị trường Đức rất khắt khe

author 06:14 07/11/2015

(VietQ.vn) - Theo các doanh nghiệp Việt Nam, các hàng rào kỹ thuật thương mại của Đức khắt khe, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng được.

Phải đáp ứng hàng rào kỹ thuật mới có thể cạnh tranh

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại, cùng với 2 FTA (Việt Nam- EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP) đã kết thúc đàm phán cho thấy mức độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những lợi thế lớn cho Việt Nam khi tham gia các FTA này là cam kết giảm thuế sâu đối với hàng hóa. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý trong những hiệp định này là hầu hết đều có chương quy định về hàng rào kỹ thuật.

Theo Bộ Công Thương, nếu những biện pháp hàng rào kỹ thuật vẫn được thực hiện “ngầm” thì các biện pháp giảm hay gỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng không nhiều ý nghĩa.

Hàng rào kỹ thuật của thị trường Đức rất khắt khe

Hàng rào kỹ thuật của thị trường Đức rất khắt khe

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, năm 2016, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và hàng rào kỹ thuật của các quốc gia.

Các “rào cản kỹ thuật đối với thương mại” trong thương mại quốc tế (Technical barriers to trade – TBT) thực chất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó, được gọi chung là các biện pháp kỹ thuật hay biện pháp TBT.

Ông Trần Bá Cường, Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, hàng rào kỹ thuật ngày càng quan trọng và được đưa vào đàm phán ở các FTA, nhất là những FTA thế hệ mới cam kết về hàng rào kỹ thuật ngày một cao hơn. Điển hình như TPP có một chương khá dài về hàng rào kỹ thuật quy định chi tiết, sâu hơn về các cam kết.

Theo ông Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam làm ra phải đáp ứng hàng rào kỹ thuật các nước yêu cầu thì mới có thể cạnh tranh được tại thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định về quy cách, chất lượng”.

Riêng đối với thị trường Đức, Việt Nam được Đức xếp hạng là đối tác thương mại thứ 40/144 nước xuất khẩu hàng hoá vào Đức, hạng 55/144 nước nhập khẩu hàng hoá từ Đức và hạng 47/144 nước đối tác thương mại chính trên kim ngạch hai chiều. Do đó, thái độ và chính sách của Đức đối với cộng đồng doanh nhân người Việt tại Đức tương đối thuận lợi. Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị kim ngạch ngoại thương của Đức, nhưng Đức vẫn coi Việt Nam là một thị truờng tiềm năng và là bạn hàng quan trọng trong tương lai gần.

Những mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức trong năm 2013 gồm: giày dép; dệt may; cà phê; sản phẩm gỗ; thủy hải sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện.

Mặc dù được xem như thị trường tiềm năng nhưng việc đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Đức vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các rào cản thương mại mà nước này đặt ra.

Hàng rào kỹ thuật của Đức rất khắt khe

Nắm bắt và có các giải pháp thích ứng với rào cản thương mại vẫn là yêu cầu đặt ra nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường các nước nói chung và thị trường nước Đức nói riêng. Vậy đâu là những điểm cần lưu ý khi tham gia vào thị trường Đức trong bối cảnh kinh tế hiện nay? 

Theo quy định trong Sắc lệnh về bao gói sản phẩm của Đức, bao bì được chia ra làm 3 loại gồm: Bao bì vận chuyển (Transport Packaging), bao gói thứ cấp (Secondary packaging) là loại trung gian và bao gói hàng hóa (Sales packaging) trực tiếp.

Các doanh nghiệp không nhất thiết phải áp dụng cả 3 loại bao bì cho tất cả các loại sản phẩm, một số chỉ có một hoặc hai loại bao bì trong số 3 bao bì này.

Để bảo vệ môi trường, Đức có các quy định rất khắt khe về việc tái chế bao bì và thu hồi bao bì. Trong trường hợp bao bì đó không thể tái chế hoặc tái sử dụng, người xuất khẩu phải thu hồi bao bì về nơi đóng gói và phải chịu chi phí cho việc thu hồi đó. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý sử dụng bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng cho sản phẩm xuất khẩu của mình. Trong trường hợp bao bì không thể tái sử dụng thì các doanh nghiệp có thể thuê một bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ này, để không nhất thiết phải mang về nước xuất xứ.

Đối với quy định về ghi nhãn, với mục đích đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhãn mác trở nên rất quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa trên thị trường Đức. Nhãn hàng hóa ở Đức phải bao gồm các thông tin cơ bản sau: Tên sản phẩm (điều kiện vật chất hoặc cách xử lý cụ thể);  Tên/địa chỉ của nhà sản xuất, đóng bao, người bán hoặc người nhập khẩu bằng tiếng Đức; Nước xuất xứ; Thành phần theo thứ tự giảm dần về trọng lượng; Trọng lượng và khối lượng theo hệ đo lường mét; Chất phụ gia theo tên các loại; Điều kiện bảo quản đặc biệt; Thời gian sử dụng và Hướng dẫn cách sử dụng đặc biệt.

Hàng rào kỹ thuật của Đức với dệt may và nông sản

Nếu tính về cơ cấu mặt hàng thì trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đức thì dệt may là một trong những sản phẩm chủ đạo. Đức có các quy định rất nghiêm ngặt đối với sản phẩm dệt may.

Theo đó, hàng may mặc của Việt nam tham gia vào thị trường Đức phải tuân thủ đồng thời hai loại quy chuẩn: EU và Đức. Tuy nhiên, so với luật chung của EU thì luật của thị trường Đức nghiêm ngặt hơn. Các tiêu chuẩn bao gồm tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội như SA 8000. Khi sử dụng nguyên phụ liệu dệt may doanh nghiệp nên tránh các chất dễ gây cháy như PPF hoặc nguyên liệu có chất tẩy trùng... Sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có thể bị tiêu hủy và người nhập khẩu phải chịu phí tiêu hủy.

Ngoài ra, Đức quản lý rất chặt các chất dùng để nhuộm và xử lý sản phẩm dệt may như formaldehydes, azodyes. Vì vậy hoặc phải sử dụng các chất thay thế hoặc kiểm soát dư lượng các chất này sao cho phù hợp với quy định của EU và Đức.

Bên cạnh sản phẩm may mặc thì nông sản cũng là một trong những mặt hàng chủ chốt của Việt Nam trên thị trường Đức. Người Đức ưa thích các loại trái cây tươi rời hơn là đóng gói và có xu hướng dùng thực phẩm sản xuất năng phương pháp hữu cơ, tránh sử dụng các hóa chất tổng hợp. Không chỉ nắm bắt thói quen sử dụng của người Đức, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về kiểm dịch động thực vật của Đức.

Cụ thể, sản phẩm từ động vật và thực vật để được nhập vào Đức phải qua các giai đoạn kiểm tra và kiểm dịch hết sức nghiêm ngặt. Nếu bị phát hiện không an toàn về vệ sinh thực phẩm sẽ bị tiêu hủy ngay tại cửa khẩu. Ngoài những quy định về kiểm dịch động thực vật như trong các quy định chung của EU, Đức cũng đặt ra một số các tiêu chuẩn bổ sung. Ví dụ, về dư lượng mycotoxins , ngoài Quy định số 1525/98 của EC, Đức cũng đặt ra một số tiêu chuẩn riêng. Việc kiểm tra, kiểm dịch động thực vật được tiến hành cho 100% lô hàng về hồ sơ và ngoại quan; và 20-50% lô hàng sẽ được lấy mẫu và kiểm tra dư lượng các chất độc hại.

Chương trình phổ biến kiến thức giới thiệu Hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại thị trường Đức, được phát sóng vào lúc  6h50 thứ 5 (12/11/2015) và hát lại 12h35 (thứ 6 13/11/2015) trên VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. Xin mời độc giả quan tâm đón xem.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang