Hàng trăm hộ dân sử dụng nước nhiễm độc gấp 43 lần

author 21:35 26/09/2012

(VietQ.vn) - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội được cho là đơn vị cung cấp nước ô nhiễm cho người dân sử dụng nhiều năm qua.

6 năm tái định cư với nước nhiễm độc

Phản ánh với PV Chất lượng Việt Nam, các hộ dân sống tại tổ dân phố số 22 (thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Ngày 24/11/2006, UBND TP Hà Nội có quyết định xây dựng các khu nhà ở B3, B4, B5 tại thị trấn Cầu Diễn để phục vụ việc tái định cho 115 hộ dân di dời tại 7 khu nhà gỗ tại phường Chương Dương (Hoàn Kiếm). Thực hiện quyết định này, 115 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đã nghiêm chỉnh chấp hành việc di dời để chuyển đến khu tái định cư tại thị trấn Cầu Diễn sinh sống.

Ông An bức xúc trình bày sự việc với PV Chất lượng Việt Nam
Ông An bức xúc trình bày sự việc với PV Chất lượng Việt Nam

Tuy nhiên, kể từ khi các hộ dân chuyển đến đây sinh sống, các hộ dân này vẫn hàng ngày phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm các tạp chất, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về nước sạch. Nguy hiểm hơn, trong những lần người dân mang nguồn nước mà mình vẫn dùng để sinh hoạt đi kiểm nghiệm tại Viện Công nghệ Môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã cho những kết quả nước nhiễm asen cao gấp nhiều lần cho phép.

Theo kết luận của Viện Công nghệ Môi trường mà người dân cung cấp cho phóng viên thì những mẫu nước được đưa đi kiểm nghiệm có các chỉ tiêu asen không đạt Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng ăn uống. Một số mẫu còn có các chỉ tiêu độ đục, Coliform và nitrat cũng không đạt chuẩn.

Trong kết quả xét nghiệm do chính Công ty này lấy mẫu ngày 13/3/2012, Viện Công nghệ Môi trường, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cho kết quả hàm lượng nitrat (NO3) cao gấp nhiều lần cho phép (165,9 tức là gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép); Kết quả xét nghiệm do Công ty này lẫy mẫu ngày 28/3/2012, Viện Công nghệ môi trường đã kết luận: Mẫu nước trên có các chỉ tiêu nitrat không đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống” (kết quả xét nghiệm số 76/KQ-VCNMT ngày 11/4/2012).

Ngày 9/5/2012, ông Đinh Văn Long, cư dân khu tái định cư lấy mẫu đi xét nghiệm và Viện Công nghệ môi trường có phiếu kết quả số 118/KQ-VCNMT ngày 15/5/2012 kết luận: “Mẫu nước trên có các chỉ tiêu Asen không đạt quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống”, hàm lượng Asen (As) có trong nước ăn cao gấp 43 lần cho phép

Ông Hoàng Tiến An (SN 1953, khu nhà B4) cho biết: “Các hộ dân sử dụng nước giếng khoan thường xuyên bị bệnh tật về đường ruột, đặc biệt là viêm ruột và viêm đại tràng. Bức xúc trước tình trạng này, các hộ dân đã nhiều lần phản ánh với các đơn vị chức năng, Công ty quản lí và phát triển nhà Hà Nội nhưng vẫn không được hồi âm, xử lí”.

Ông An cũng cho biết thêm, đơn vị quản lí khu tái định cư, UBND thị trấn Cầu Diễn đã nhiều lần họp với các hộ dân đề nghị Công ty nước sạch Hà Nội cung cấp nước sạch cho các hộ dân trong năm 2011. “Tuy nhiên cho đến nay đã sắp hết năm 2012 nhưng chúng tôi vẫn chưa được sử dụng nước sạch”, ông An bức xúc nói.

Công ty cấp nước thừa nhận nước nhiễm độc

Theo tìm hiểu của phóng viên thì toàn bộ nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ dân khu tái định cư B3, B4, B5 và một số hộ dân khu vực xung quanh là do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội (trực thuộc Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội).

Liên quan đến vấn đề này, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thanh Tùng, Trưởng ban quản lí dự án Cầu Diễn, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội.

Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy nguồn nước sinh hoạt mà người dân đang dùng nhiễm độc tố rất cao
Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy nguồn nước sinh hoạt mà người dân đang dùng nhiễm độc tố rất cao

Ông Tùng cho biết, do khu vực tái định cư của một số hộ dân trên chưa có đường ống cấp nước sạch của thành phố nên buộc công ty phải đầu tư một nhà máy lọc nước để cung cấp nước cho các hộ dân. Nguồn nước được công ty cung cấp cho dân  chủ yếu là lấy từ mạch nước ngầm sau đó tiền hành xử lí rồi bơm lên bể ngầm rồi cung cấp lên cho các hộ.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với Công ty nước sạch Hà Nội cho đấu nối đường ống dẫn nước để cung cấp cho các hộ dân, toàn bộ chi phí sẽ do công ty chúng tôi chịu. Thế nhưng phía công ty nước sạch Hà Nội cho rằng hiện nay chưa có đường ống dẫn nước tới khu vực đó nên chưa cung cấp nước cho các hộ dân”, ông Tùng cho biết.

Ông Tùng cũng thừa nhận việc nước của công ty mình cung cấp cho hộ dân chưa đạt yêu cầu về một số chỉ tiêu về nước uống. Tuy nhiên ông Tùng cũng thanh minh rằng, nước do công ty mình cung cấp không phải lúc nào cũng nhiễm độc asen.

 “Do nhà máy nước của chúng tôi chủ yếu lấy từ mạch nước ngầm nên vào những thời kì cao điểm, lượng nước ngầm sụt giảm nên dẫn đến việc nguồn nước không đạt yêu cầu. Trong thời gian tới chúng tôi cũng đã kiến nghị để được đấu nối đường ống nước từ đường K3, Cầu Diễn vào đến khi đô tái định cư để cung cấp nước cho hộ dân”, ông Tùng nói.

Nguy cơ ung thư rất cao

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS, TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết, việc thường xuyên sử dụng nước nhiễm asen sẽ dẫn đến việc hàm lượng độc tố này tích tụ trong người và dẫn đến một số bệnh ung thư rất nguy hiểm.

Hợp chất Asen được làm thuốc trừ cỏ

Asen hay còn gọi là thạch tín, một nguyên tố hóa học có ký hiệu As và số nguyên tử 33. Asen lần đầu tiên được Albertus Magnus (Đức) viết về nó vào năm 1250. Khối lượng nguyên tử của nó bằng 74,92. Vị trí của nó trong bảng tuần hoàn được đề cập ở bảng mé bên phải. Asen là một á kim gây ngộ độc khét tiếng và có nhiều dạng thù hình: màu vàng (phân tử phi kim) và một vài dạng màu đen và xám (á kim) chỉ là số ít mà người ta có thể nhìn thấy.

Ba dạng có tính kim loại của asen với cấu trúc tinh thể khác nhau cũng được tìm thấy trong tự nhiên (các khoáng vật asen sensu stricto và hiếm hơn là asenolamprit cùng parasenolamprit), nhưng nói chung nó hay tồn tại dưới dạng các hợp chất asenua và asenat.

Vài trăm loại khoáng vật như thế đã được biết tới. Asen và các hợp chất của nó được sử dụng như là thuốc trừ dịch hại, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và trong một loạt các hợp kim.

Làm gì khi nước nhiễm Asen?

Trong trường hợp đã bị nhiễm độc asen, muốn giảm bớt các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần được đảm bảo chế độ ăn uống thật tốt, giảm protein, bổ sung các vitamin để giúp cơ thể thải asen nhanh hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thuốc giúp gan thải asen ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, phải đến ngay bệnh viện để có được lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ. Những trường hợp nhiễm asen cấp tính, các phác đồ điều trị là giảm thiểu và giải độc trực tiếp asen ra khỏi cơ thể.

Khi đã nhiễm asen lâu ngày dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm rồi thì vấn đề đã đi sang một hướng khác: khó khăn hơn, tốn kém hơn, sức khỏe suy giảm nhanh hơn và… tốn tiền nhiều hơn. Theo các nhà khoa học, hiện nay trên thế giới, khó khăn nhất là khâu chẩn đoán lâm sàng và chưa có cách hiệu nghiệm chữa chạy nhiễm độc asen.

Còn việc xử lý asen trong nước ngầm, nước sinh hoạt đã được đặt ra nhiều năm nay. Nhiều phương pháp đã được áp dụng như xử lý bằng bể lắng, lọc, bằng giàn mưa song các cách này chưa giải quyết triệt để asen. Đã có một số thiết bị lọc nước nội địa được các nhà khoa học chế tạo. Công nghệ lọc nước nano đã được thế giới áp dụng, được "nội địa hóa" với giá thành chỉ bằng 50-70% giá nhập ngoại.

Nguyễn Tiến - Mai Anh Tuân
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang