Hàng Trung Quốc "bóp chết" hàng Việt Nam xuất khẩu

author 21:49 17/09/2013

(VietQ.vn) - Trước tâm lý e ngại “đồ Tàu” kém chất lượng, nhiều người bán đã đánh tráo xuất xứ quần áo Trung Quốc thành “Made in Vietnam” bằng cách thay nhãn mác.

"Tặc lưỡi" chọn hàng...Trung Quốc

Tại các chợ chuyên bán vải tại Hà Nội như chợ Hôm (Phố Huế), chợ Ninh Hiệp lượng vải nhập khẩu lấn át hàng nội địa cả về số lượng lẫn mẫu mã. Người bán hàng của các sạp vải đều cho biết hầu hết các loại vải thun, voan, cotton đều là hàng nhập từ Trung Quốc.

Thậm chí, ngay cả đến những mặt hàng như khuy vải, họa tiết trang trí, nút cườm cao cấp, đăng ten để đính lên quần áo bán tại phố Hàng Bồ cũng được nhập toàn bộ từ Trung Quốc. Còn riêng với mặt hàng quần áo may sẵn, hàng Trung Quốc cũng chiếm ưu thế do mẫu mã phong phú, mức giá rẻ. Tại các khu chợ, trung tâm siêu thị lớn đều thấy bày bán khá nhiều mặt hàng thời trang có xuất xứ từ Trung Quốc.

Sau hàng loạt thông tin về áo ngực Trung Quốc chứa “chất lạ”, quần bò, vải sợi Trung Quốc có chứa chất gây ung thư, người tiêu dùng lo ngại nhưng vẫn đành “tặc lưỡi” chọn mua hàng “Made in China”.

Chị Thu Ngà, sinh viên ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết, dù hàng Trung Quốc chất lượng kém, không đảm bảo an toàn nhưng mức giá rẻ phù hợp với người thu nhập thấp. Hơn nữa, thị trường tràn ngập quần áo Trung Quốc, nếu không chọn mua hàng Tàu thì biết mua sắm loại hàng nào. Hàng hiệu thì chỉ có “sao”, “hot girl” mới đủ tiền xài, còn hàng trong nước chắc gì đã đảm bảo vì toàn nhập nguyên liệu, phụ kiện từ Trung Quốc.

Đối với lĩnh vực may mặc, vấn đề trở lại chiếm lĩnh sân nhà đã được bàn bạc nhiều lần nhưng theo các DN trong ngành, cánh cửa cạnh tranh tại thị trường nội địa chỉ thực sự mở khi ngành may mặc trong nước giải được bài toán nguyên phụ liệu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dệt may Việt Nam bắt đầu từ khâu nguyên liệu (bông, xơ) đến thành phẩm (quần áo). Tuy nhiên, hiện nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 0,75% nhu cầu bông, 30% nhu cầu xơ nhân tạo; phụ tùng ngành dệt phải nhập khẩu 100%, nguyên phụ liệu ngành may phải nhập đến 70%.

"Cái chết" ngọt ngào

Ngoài những loại quần áo thời trang đường hoàng gắn mác “Made in China”, không ít mặt hàng thời trang của Trung Quốc lại được “phù phép” thành hàng Việt Nam xuất khẩu. Đánh vào tâm lí của một số người tiêu dùng lo ngại mức độ độc hại của “đồ Tàu”, thích quay về với hàng thời trang xuất khẩu bền đẹp, hàng Trung Quốc lại “trà trộn” dưới cái mác “Made in Vietnam”.

So với áo Trung Quốc thì quần áo “Made in Vietnam” có giá cao hơn hẳn, một chiếc áo khoác len thường có giá từ 200.000 – 300.000 đồng, áo phao từ 500.000 – 800.000 đồng, áo sơmi dài tay dao động từ 150.000 – 250.000 đồng, những chiếc quần đông xuân, bộ dài tay của trẻ con cũng được bày bán với giá từ 70.000 – 150.000 đồng…

Tuy nhiên, người tiêu dùng có mức thu nhập cao lại chuộng đồ Việt Nam hơn do tính bền, đẹp về chất lượng. Đặc biệt là những chiếc áo len, váy len, áo khoác phao có chất liệu tốt hơn hàng gia công Trung Quốc. Nhiều chiếc váy len công sở kiểu dáng lịch sự được gắn mác Zara, Mango, H&M, F21 nhưng lại chỉ có giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng/chiếc, rẻ hơn hẳn hàng hiệu “xịn” bày bán trong các trung tâm thương mại như Parkson, Vincom.

Chủ một cửa hàng thời trang Việt Nam xuất khẩu trên phố Nguyễn Khắc Cần cho biết, những mẫu quần áo này là hàng “xịn” của Zara, Mango được sản xuất tại Việt Nam nhưng được bán rẻ hơn từ một nửa cho đến một phần ba so với giá trên website của hàng xuất sang “bển”… Nguyên nhân là do đây là mặt hàng bị lỗi, do công nhân “tuồn” ra, các chủ cửa hàng có “mối” nên mới lấy về được.

Thế nhưng, người bán hàng cũng “bật mí” không phải loại quần áo nào cũng là hàng xuất khẩu “xịn”. Bởi không ít hàng may mặc Trung Quốc được các xưởng gia công nhập về rồi gắn thêm mác “Made in Vietnam”. Vì lợi nhuận, nhiều cửa hàng bán quần áo xuất khẩu, “Made in Vietnam” đều trà trộn rất nhiều mặt hàng gia công của Trung Quốc. Khách hàng phải mua theo cảm tính, sờ chất vải tốt, mẫu mã đẹp, chứ chỉ nhìn vào mác, tag thì khó lòng biết được đấy có phải là hàng cao cấp xuất khẩu của các hãng thời trang “xịn” trên thế giới hay không?

Chị Thu Trang (Việt Hưng, Hà Nội) cho biết, chị đã mua một chiếc áo khoác len hiệu Zara “Made in Vietnam” giá 250.000 đồng tại một cửa hàng bán đồ Việt Nam xuất khẩu trên phố Hàng Điếu. Người bán giải thích đây là hàng Zara lỗi nên chủ sản xuất đã cắt mác mới “thải” ra thị trường, chiếc mác trên áo khoác len đúng là bị cắt nham nhở chữ Zara và “Made in”. Thế nhưng, vài hôm sau, chị lại thấy một chiếc áo len y hệt từ chất liệu, kiểu dáng trong một cửa hàng ở chợ Ngã Tư Sở. Chiếc áo này lại có mác Zara nhưng “Made in China” và có giá bán rẻ hơn một nửa.

Trả lời báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đưa ra cảnh báo, hiện tượng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã khá phổ biến. Lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng nội của nước ta, nhiều mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc đã được đưa vào thị trường nội địa, dán mác Việt Nam để bán...

Còn ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ lo ngại, trước đây hàng giả thường là hàng nội giả hàng ngoại, hàng nội giả hàng nội, thì giờ xuất hiện cả hàng ngoại giả hàng ngoại, hàng ngoại giả hàng nội được sản xuất ở nước ngoài nhập lậu vào trong nước để trục lợi. (Còn nữa)

Khánh Ngọc - Thanh Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang