"Hàng Việt thắng thế nhờ chất lượng"

author 12:09 31/01/2013

(VietQ.vn) - Tết Nguyên đán đang tới rất gần, đây cũng là thời điểm hàng hóa tràn ngập thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng (NTD). Và theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hàng Việt đã thắng thế nhờ chất lượng được cải thiện, nâng lên.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, một chiến lược quốc gia với sự góp sức của các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, NTD và truyền thông đã mang lại hiệu quả tích cực cho hàng Việt.

Bà đánh giá thế nào về lòng tin của NTD đối với các sản phẩm hàng hóa Việt Nam hiện nay?

Mô tả ảnh.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hàng Việt chiếm ưu thế ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã biết tự cứu mình bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh. N. N

Chúng ta đã có hơn 3 năm trong cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt. Lòng tin của NTD đối với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đã tăng lên rất đáng kể. Từ chỗ rất nhiều NTD có tâm lý sính ngoại hoặc chưa hiểu biết nhiều về hàng Việt, thì hiện nay đã tin cậy sử dụng hàng Việt với mức tỷ lệ sử dụng khoảng 70%.

Tuy nhiên, lòng tin không phải là “bất biến”. Ngày nay, với sự mở cửa và hội nhập thì NTD có rất nhiều lựa chọn, xu hướng tiêu dùng, tâm lý tiêu dùng đã cao hơn rất nhiều, vì vậy chúng ta phải củng cố và tăng lòng tin vào các sản phẩm Việt.

Mấu chốt vẫn là chất lượng. Các nhà sản xuất và phân phối - bán lẻ Việt Nam hãy mang sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tuyệt vời đến cho NTD. NTD sẽ tin tưởng vào sản phẩm hàng hóa và dịch vụ Việt cũng như tin vào doanh nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, có một bộ phận không nhỏ vẫn sính hàng ngoại. Phải chăng, NTD vẫn chưa tin lắm vào các sản phẩm hàng hóa Việt Nam?

NTD rất đa dạng, không thể nói 100% họ đều tin dùng hàng Việt, bởi vì các phân khúc NTD cũng như tâm lý NTD rất khác nhau. Sự ưa thích dùng hàng ngoại nhập không có gì đáng phản đối, chỉ có điều làm thế nào để hàng Việt dành được niềm tin của NTD hơn.

Trong sự nỗ lực và cố gắng đó, hàng Việt Nam gồm hàng hóa và dịch vụ cần phải có chuyển biến nhiều hơn nữa, bởi vì NTD vẫn còn phê phán về những điểm yếu của hàng Việt.

Ví dụ, nếu nói về chất lượng, hàng Việt có thể chất lượng rất tốt nhưng lại không ổn định. Chất lượng giữa các sản phẩm giới thiệu lần đầu tiên và sản phẩm sản xuất đại trà không duy trì được, chính điều này làm cho NTD mất lòng tin. Ngoài ra, bản thân hàng Việt cũng thường bị “phê bình” là nghèo nàn về mẫu mã, chủng loại.

Để phát triển lòng tin của NTD vào sản phẩm Việt, cả nhà nước cũng như DN cần phải làm gì, thưa bà?

Chúng ta cần phải có một chiến lược lâu dài và bền vững chứ không chỉ là phong trào trong vòng vài năm. Về phía nhà nước, cần phải có những chính sách, văn bản kịp thời, rõ ràng, minh bạch nhằm cổ động cho việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hàng hóa tràn ngập trong các siêu thị, trung tâm thương mại phục vụ mùa kinh doanh tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Ảnh minh họa

Còn đối với doanh nghiệp, những vấn đề thường được quan tâm như thuế cho các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, ưu đãi giữa hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giúp đỡ cho các nhà bán lẻ có được mặt bằng bán lẻ để mở rộng phạm vi hoạt động của mình.  

Các lý do chính làm NTD thiếu lòng tin vào các sản phẩm trong nước là: thông tin, quảng bá ít và không rõ ràng, minh bạch; thiếu đa dạng, chất lượng không ổn định, không đáp ứng các chỉ tiêu như công bố; không có quy định hoặc thực hiện bảo hành không nghiêm túc, không tận tình.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến mại không rõ ràng, thực hiện không nghiêm túc; dịch vụ cung cấp hàng hóa không thuận lợi, nhân viên bán hàng và làm dịch vụ ít được đào tạo, tính chuyên nghiệp thấp… cũng là những lý do quan trọng khiến NTD lựa chọn hàng nhập khẩu khi mua sắm.

Thưa bà, theo quy luật, gần tết nguyên đán các mặt hàng bán lẻ thường có xu hướng tăng giá. Liệu có phải do hàng hóa đã đi qua nhiều khâu trung gian nên làm giá cả tăng lên?

Theo báo cáo của các thành viên Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, sự chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết năm nay của các doanh nghiệp rất tích cực và chủ động. Còn việc tăng giá, đây là hiện tượng không thể tránh khỏi bởi vì vào những dịp như thế này chắc chắn sẽ phải có sự tăng giá nhất định hơn ngày thường.

Việc các doanh nghiệp cũng như nhà nước cần làm lúc này là làm sao giá không tăng một cách bất thường, cố gắng giữ ổn định giá như những ngày bình thường. Đây là mong muốn và là mục tiêu cao nhất của các doanh nghiệp cũng như của các nhà bán lẻ.

Nếu nói do khâu trung gian mà bị tăng giá, đội giá trong thực tế cũng có những hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ luôn tìm mọi cách giảm bớt các chi phí bằng cách làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất đưa hàng về tận cơ sở của mình, tiết kiệm, tiết giảm các chi phí để đảm bảo đủ hàng hóa cung cấp cho dịp tết.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang