Hàng xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng và vững chắc

author 15:00 17/01/2019

(VietQ.vn) - Năm 2018, bên cạnh những kết quả đáng mừng vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác xuất nhập khẩu. Đặc biệt, phần lớn mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng và vững chắc.

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Công thương, tiếp theo kết quả đạt được của năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.

 Phần lớn mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng và vững chắc. Ảnh minh họa.
 
Xuất nhập khẩu hàng hóa vượt chỉ tiêu kế hoạch

Theo đó, xuất khẩu năm 2018 đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2017, vượt chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Đánh giá chung cho thấy, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng. Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt: Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Năm 2018, khối DN trong nước xuất khẩu khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI (kể cả dầu thô) là 12,9%.

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, những năm gần đây ta đã làm khá tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng. 

Cán cân thương mại năm 2018 đã duy trì xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục. Với việc thúc đẩy xuất khẩu gắn với tái cấu túc sản xuất trong nước và kiểm soát tốt khâu nhập khẩu như nêu trên, cán cân thương mại năm 2018 đã duy trì xuất siêu với mức thặng dư kỷ lục. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Vẫn tồn tại nhiều '"mảng xám"

Bên cạnh kết quả đạt được, năm 2018 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác xuất nhập khẩu. Điển hình như các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Phần lớn mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng và vững chắc.

Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Mặc dù Việt Nam đã và đang rất tích cực, chủ động xử lý có hiệu quả những vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu nhưng tình hình thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước phát triển ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước.

Hiệp định CPTPP không phải chỉ có “màu hồng” với Việt Nam?(VietQ.vn) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định Hiệp định CPTPP không phải chỉ có “màu hồng” với Việt Nam.

Phương Mai

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang