Hành khách được gì từ cuộc cạnh tranh của các hãng hàng không Việt?

author 15:10 16/05/2014

(VietQ.vn) Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các hãng hàng không giá rẻ và Vietnam Airlines đang đem đến cho hành khách nhiều sự lựa chọn mới phù hợp với túi tiền.

Hàng không giá rẻ - đối thủ của hàng không truyền thống

Theo bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, “Các hãng hàng không tư nhân hoàn toàn được cạnh tranh bình đẳng với hãng hàng không Nhà nước, không gặp bất cứ khó khăn gì.” Điều này đã góp phần khiến cuộc cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước ngày càng gay gắt.

Khi tung ra chương trình bán vé Tết, Vietnam Airlines (VNA) đã kỳ vọng nhu cầu hành khách sẽ tăng 10% trên trục đường bay chính Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội và tăng 13% trên đường bay TP.HCM - Đà Nẵng - TP.HCM. Nhưng sau 2 đợt mở bán, hãng công bố vẫn còn thừa tới 125.000 vé khi chỉ còn cách Tết 3 tuần. Trên mạng của VNA trong dịp nghỉ Tết đều còn vé nhưng ở mức giá cao. Trong khi đó, trên mạng của VietJet Air (VJA) hoặc Jetstar Pacific Airlines (JPA) cùng thời điểm tương tự không còn nhiều chỗ trống, giá lại mềm hơn VNA khá nhiều.

Cuộc cạnh tranh của các hãng hàng không Việt

Kinh tế khó khăn khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh là nguyên nhân khiến VNA ế vé, nhưng quan trọng hơn là sự cạnh tranh của các hãng như VJA, JPA. Tính chung cả năm, VNA đã phải san sẻ khá nhiều thị phần nội địa cho các hãng tư nhân. Dù có nhiều dải giá khác nhau, nhưng việc duy trì mức giá cao đã khiến VNA mất  khá nhiều thị phần trên một số đường bay chủ đạo. Đặc biệt, việc VietJet Air (vốn chỉ tập trung vào các đường bay trục - cũng là đường bay lợi thế của VNA) liên tục tăng tải và duy trì mức giá thấp đã tạo nên cuộc đua giành khách khốc liệt. 

Không chỉ đưa ra các chương trình khuyến mãi dồn dập, mặt bằng giá rẻ ngang đường bộ, đường sắt của VJA (chỉ từ 500.000 đồng/chặng) giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn và nhiều cơ hội tiếp cận giá vé rẻ hơn. Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc chạy đua khuyến mãi, tăng chiết khấu cao cho đại lý trong bối cảnh các đường bay nội địa chưa sinh lãi, thậm chí lỗ, khiến các hãng gặp nhiều khó khăn. VNA có lợi thế lớn từ các dịch vụ hậu cần, sự hỗ trợ từ các đường bay quốc tế để có thể cân đối được tài chính khi thị phần nội địa gặp khó khăn, thì với những hãng nhỏ như VJA, AMK vốn dĩ lợi nhuận tập trung ở thị phần nội địa, việc thị trường này khó khăn sẽ ảnh hưởng không nhỏ.

Hành khách được gì từ “cuộc chiến”

Đại diện một đại lý bán vé máy bay cho rằng, để thu hút khách hàng, các đại lý sẽ phải cạnh tranh nhau các dịch vụ đặt mua vé như: Mang vé đến tận nơi, khách hàng được nhận vé sau khi đặt trong khoảng thời gian ngắn nhất, tư vấn đặt chỗ, tư vấn chọn vé thế nào để có giá thành thấp nhất (bay thẳng hoặc bay nối chuyến)… Trên thực tế, đại lý đưa ra mức phụ thu cao sẽ bị cạnh tranh bởi các đại lý có mức phụ thu thấp. Khi đó, muốn hút được khách mua vé thì các đại lý buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ hoặc có những chính sách chăm sóc khách hàng tốt hơn…

cuộc cạnh tranh của các hãng hàng không Việt

Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của VNA cho biết, “Với khách hàng, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đại lý sẽ tạo thêm lợi ích và thêm những sự lựa chọn tốt hơn với túi tiền của mình. Khi mua vé tại các đại lý, khách hàng cần yêu cầu đại lý tách bạch rõ ràng giữa giá vé và giá phụ thu dịch vụ để biết được mức phụ thu tại các đại lý có hợp lý hay không. Hơn nữa, giá vé máy bay trên mỗi hành trình đều có nhiều mức, mỗi mức tương ứng với một hạng đặt chỗ khác nhau và các điều kiện đi kèm. Vì vậy, khách hàng cần nắm rõ thông tin này để mua được vé với mức giá phù hợp. Đây cũng là cơ sở chúng tôi muốn hướng tới văn hóa tiêu dùng thông thái đối với khách hàng của mình.”

Minh Thùy (th)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang