Hành trình 25 năm trốn chạy của kẻ ném mìn sát thương 15 người

author 07:09 29/06/2013

(VietQ.vn) - Sau 25 năm chạy trốn, sống cuộc sống chui lủi, ngày 20-6-2013, Nguyễn Văn Phúc (Phúc Ga) bị lực lượng Cảnh sát truy nã CA tỉnh Quảng Nam bắt giữ theo quyết định truy nã...

Vụ nổ kinh hoàng

Theo hồ sơ, trước năm 1975, Phúc đầu quân cho quân đội ngụy, phục vụ tại Sư đoàn 5. Sau khi đất nước giải phóng, Phúc theo gia đình vào lập nghiệp ở Đắc Nông. Cuộc sống quá khó khăn nên năm 1980, bố mẹ Phúc đưa 9 người con về lại xứ Quảng sinh sống. Về Tam Kỳ, bố mẹ Phúc mưu sinh bằng nghề công nhân sửa chữa, duy tu đường ray xe lửa. Dù biết bố mẹ cực nhọc, vất vả lo cho đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng Phúc không chí thú làm ăn phụ giúp gia đình, suốt ngày lang thang quậy phá. Với bản tính ngang tàng, Phúc nhanh chóng trở thành tay “anh chị” có số má ở địa phương. Khi ấy Phúc sống chủ yếu trên các bãi vàng ở miền núi Quảng Nam, thỉnh thoảng về Tam Kỳ thăm gia đình. Nhưng ở đâu, núi hay phố, Phúc cũng đều nổi tiếng bởi rượu chè và quậy phá. Cũng vì nhà Phúc ở gần ga Tam Kỳ nên giới giang hồ gọi y là đại ca Phúc “Ga”.

Năm 1987, Phúc bị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đưa đi tập trung cải tạo 6 tháng bởi trộm cắp vặt và gây rối TTCC. Sau 6 tháng tập trung cải tạo, Phúc vẫn không thay đổi tâm tính mà càng rượu chè và hung dữ hơn. Chiều 16-9-1988, Phúc đi uống rượu về đến gần ga Tam Kỳ thì gặp tốp công nhân cầu đường 2-9, gồm Nguyễn Đình Linh, Trần Văn Vinh, Phạm Văn Xuân. Vốn tính ngang tàng, sẵn men rượu trong người, Phúc to tiếng với nhóm công nhân này. Sau một hồi lời qua tiếng lại, Phúc xông vào đánh nhóm công nhân. Biết Phúc là dân “anh chị”, nhưng vì quá tức giận, nhóm công nhân hò nhau đánh trả. Một mình địch 3 người, Phúc chịu không thấu, co chân tẩu mã.

Nguyễn Văn Phúc kể lại hành trình 25 năm sống chui lủi với cơ quan điều tra
Nguyễn Văn Phúc kể lại hành trình 25 năm sống chui lủi với cơ quan điều tra

Về đến nhà, Phúc Ga gặp Phan Tiến Dũng (1966, trú Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam) đang chơi ở nhà mình nên rủ Dũng cùng đi trả thù. Cũng là thành phần bất hảo nên khi Phúc mở lời Dũng liền tham gia. Dũng nhớ đến việc trước đây mình đã nhặt được một quả nổ ở bãi đào vàng H. Phước Sơn, đem về cất ở nhà Phúc nên lấy ra, tìm nhóm công nhân quyết chiến.

Dũng và Phúc quay lại tìm nhóm công nhân thì thấy rất đông người đang tụ tập tại đó. Không cần xem đối thủ mình ở đâu, hậu quả sẽ thế nào, Phúc liền ném quả nổ vào đám đông. Một tiếng nổ vang lên và ngay sau đó là tiếng la thét của rất nhiều người. Hậu quả là 15 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương rất nặng. Sự việc nhanh chóng được báo cho chính quyền và các nạn nhân được đưa đến Trung tâm Y tế TX Tam Kỳ. Về phần Phúc, Dũng, sau khi ném mìn vào đám đông thì lập tức bỏ trốn.

Ngày 18-9-1988, CA tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Phúc và Phan Tiến Dũng. Ngày 17-11-1989, Phan Tiến Dũng bị bắt theo lệnh truy nã, riêng đại ca Phúc “Ga” thì vẫn bặt vô âm tín.

Quyết định truy nã đối với Nguyễn Văn Phúc năm 1988.
Quyết định truy nã đối với Nguyễn Văn Phúc năm 1988.

Nỗi dằn vặt 25 năm trốn chạy

Sau khi ném mìn, Phúc Ga đến ẩn náu tại nhà một người bạn ở TX Tam Kỳ rồi đêm 20-9-1988, nhảy tàu ra Huế, từ Huế đón xe đi đến cửa khẩu Lao Bảo rồi vượt biên giới qua Lào. Tại đây, y xin vào làm phụ hồ cho một chủ thầu người Việt. Dù cuộc sống nơi đất khách quê người rất vất vả, thiếu thốn nhưng Phúc Ga vẫn cắn răng chịu đựng vì đó là cách để y không bị “xộ khám”. Tinh ranh hơn, Phúc tìm cách lân la gặp những người Việt, nhất là người quê Quảng Nam - Đà Nẵng rồi tung tin Nguyễn Văn Phúc đã chết tại Lào để cơ quan chức năng không truy tìm nữa.

Sau 4 năm sống ở Lào, năm 1992, Phúc Ga trở về Việt Nam. Từ Cửa khẩu Lao Bảo, Phúc đón xe thẳng vào miền Nam. Trong thời gian sinh sống ở đây, Phúc đã gặp cô thợ may Trần Thị Hồng (1963, trú Q. 8, TPHCM) và hai người kết hôn vào năm 1993, lần lượt sinh 3 người con. Để tránh bị lộ thân phận, Phúc không ở bên nhà vợ mà đưa cả gia đình sang Q. Bình Chánh thuê nhà tại tổ 3, ấp 6, xã Tân Nhật cư trú. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Trong suốt thời gian sống ở xã Tân Nhật, người dân địa phương chỉ biết đến Phúc là người lành tính, chịu thương chịu khó nên rất mến. Cho đến ngày 20-6-2013, mọi người mới thực sự sửng sốt khi thấy CA xuất hiện tại nhà Phúc. Đến lúc này, họ mới biết rằng người hàng xóm hiền lành là đối tượng trốn truy nã suốt 25 năm qua.

Trò chuyện với chúng tôi sau khi được di lý về Quảng Nam, Nguyễn Văn Phúc cởi mở, thành thật. Không đợi chúng tôi hỏi, Phúc tự sự: “Những năm tháng qua, tôi đã sống trong lo âu, thắc thỏm. Tôi nói dối vợ con rằng tôi bị thất lạc gia đình từ nhỏ. Con cái lớn lên, muốn ba đưa về quê nhưng tôi đành nuốt nước mắt, rằng ba không nhớ được quê mình. Có lần nghe được thông tin em trai bệnh nặng nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, lòng tôi quặn đau nhưng không dám vào thăm. Nhiều lần tôi muốn nói ra tất cả với vợ con, nhưng rồi lại không thể vì sợ tất cả bị tổn thương. Tôi dự định sau khi con trai út tốt nghiệp cấp 3, sẽ nói hết mọi chuyện rồi về đầu thú...”

Kỳ Văn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang