Hành trình thương mại hóa sản phẩm của các nhà sáng chế không chuyên

authorMinh Hà 10:33 18/10/2015

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học không chuyên sẽ được hỗ trợ giới thiệu, tư vấn để chuyển giao các sáng chế của mình trong chợ công nghệ và thiết bị quốc tế (Techmart 2015) lớn nhất từ trước tới nay.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đây là năm đầu tiên có hẳn một khu dành riêng để tôn vinh và giới thiệu các sáng chế của các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu. Đó cũng là một trong những nét mới nhất của Techmart năm nay so với các kỳ Techmart trước.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thúc Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) địa phương - Bộ KH&CN

Ông đánh giá thế nào về những kết quả sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các nhà khoa học, nhà sáng chế không chuyên ở Việt Nam ?

Ông Chu Thúc Đạt: Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN nói chung, các chính sách khuyến khích, động viên thúc đẩy phong trào sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của quảng đại quần chúng nhân dân trong đó có các nhà khoa học, nhà sáng chế không chuyên nghiệp, chúng ta đã có nhiều những phát minh, sáng kiến, sáng chế, tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả kinh tế-xã hội và khả năng ứng dụng cao. Nhiều sáng kiến, sáng chế của các nhà sáng chế không chuyên nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa, áp dụng, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Điều này có vai trò quan trọng trong hoạt động đổi mới sáng tạo của đất nước, góp phần rất lớn cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.

Các nhà khoa học không chuyên sẽ được hỗ trợ giới thiệu, tư vấn để chuyển giao các sáng chế của mình trong chợ công nghệ và thiết bị quốc tế (Techmart 2015)Các nhà khoa học không chuyên sẽ được hỗ trợ giới thiệu, tư vấn để chuyển giao các sáng chế của mình trong chợ công nghệ và thiết bị quốc tế (Techmart 2015)

Bên cạnh những người làm khoa học một cách chuyên nghiệp trong các tổ chức KH&CN chuyên nghiệp, lực lượng những nhà khoa học, nhà sáng chế không chuyên còn có tiềm năng rất lớn. Những sáng chế, phát minh của họ hầu hết đều xuất phát từ thực tiễn lao động, sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như họ thấy việc dùng thủ công để bóc tách hạt ngô, hạt đậu mất nhiều công sức và năng suất lao động thấp đã sáng chế ra cái máy tách hạt ngô, hạt đậu; hay như máy gặt đập liên hợp thay cho công việc thu hoạch lúa bằng thủ công vất vả; máy thu hoạch hồ tiêu, cà phê; sáng chế ra máy sạ lúa, máy gieo hạt, máy phun thuốc trừ sâu... (ông Nguyễn Đức Thành - Bắc Giang, ông Long - Tuyên Quang; ông Thắng - Cần Thơ; ông Kim Chính - Bình Định; ông Lệ- Quảng Trị; ông Tư Sang -Tiền Giang...); hoặc như sáng chế lò đốt rác, bếp đun cải tiến, máy xử lý bụi gỗ, bụi sơn trong các làng nghề (ông Năng-Bắc Cạn, ông Tuấn-Phú Thọ); giải pháp diệt chuột đã thành “doanh nghiệp diệt chuột” của ông Thiều-Hà Nội; máy bóc hành, tỏi của ông Sành-Hải Dương...

Như vậy, chúng ta có thể thấy các nhà khoa học, nhà sáng chế không chuyên làm được và khẳng định năng lực sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu của mình. Có thể nói, đây sẽ là tiền đề cho việc sản xuất những máy móc, thiết bị hiện đại của chúng ta trong tương lai.

Ông có thể cho biết thêm một số thông tin về gian hàng của những Nhà sáng chế không chuyên tham gia kỳ Techmart quốc tế 2015?

Ông Chu Thúc Đạt: Theo Ban Tổ chức, Techmart quốc tế năm nay có nhiều sự đổi mới với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”, là Techmart có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Trong sự kiện này các thành tựu nghiên cứu khoa học và đặc biệt là các công nghệ, thiết bị được ứng dụng và có tác động sâu rộng tới hoạt động KT-XH của các Bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế sẽ được giới thiệu và chuyển giao. Ngoài các viện nghiên cứu, trường đại học, các Sở KH&CN và các doanh nghiệp, Techmart Vietnam 2015 có sự tham dự các nhà khoa học, nhà sáng chế không chuyên từ khắp mọi miền trên cả nước với các công nghệ, thiết bị hết sức gần gũi và thiết thực với đời sống và sản xuất. Hiện nay có khoảng hơn 50 nhà sáng chế không chuyên đăng ký gian hàng tại hội chợ. Sản phẩm trưng bày của họ là những thiết bị máy móc gần gũi với sản xuất và đời sống như máy sạ lúa, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy đánh vảy cá, máy chế biến sắn, bếp đun cải tiến, máy phun thuốc, máy bón phân, máy làm kẹo cu đơ…

Ban Tổ chức đã hỗ trợ cho những nhà sáng chế không chuyên như thế nào để họ có cơ hội giới thiệu, chào bán sản phẩm của mình tại Techmart ?

Ông Chu Thúc Đạt: Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Ban Tổ chức đã cố gắng tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cho 20 nhà sáng chế không chuyên ở cả miền nam và miền bắc tham dự Techmart, cụ thể là Ban tổ chức đã miễn phí các gian hàng, kêu gọi các doanh nghiệp và dự án IPP hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại, vận chuyển máy móc, thiết bị đến tham dự hội chợ. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng phối hợp với một số doanh nghiệp hỗ trợ một phần cho các nhà sáng chế không chuyên khác đến tham dự.

Đồng thời, Ban Tổ chức có văn bản gửi Sở KH&CN các địa phương có nhà sáng chế tham dự hội chợ cử cán bộ tư vấn, hỗ trợ họ trong quá trình chuẩn bị và đến tham dự hội chợ.

Theo ông, để thương mại hóa các sản phẩm của mình, các nhà sáng chế cần có kế hoạch như thế nào để tiếp cận nguồn vốn, nguồn thông tin, thị trường, hỗ trợ tư vấn ?

Ông Chu Thúc Đạt: Hiện nay, để thương mại hóa được một sản phẩm nghiên cứu khoa học không hề đơn giản, đối với các nhà sáng chế không chuyên thì chuyện này càng khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, chúng tôi cho rằng trước tiên các nhà sáng chế phải không ngừng hoàn thiện sản phẩm của mình để làm sao đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất, tiện lợi nhất và rẻ nhất có thể. Tiếp theo đó, họ có thể tìm kiếm, hợp tác với doanh nghiệp để huy động vốn, nguồn lực khác phát triển sản phẩm của mình gắn với thị trường tiêu thụ.

Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) được Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức là một trong những kênh hữu hiệu để các nhà sáng chế không chuyên đến giới thiệu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối những sản phẩm của mình với thị trường, người sử dụng, nhà đầu tư.

Đối với ngành KH&CN, các nhà sáng chế không chuyên nghiệp có thể liên hệ với Phòng Kinh tế hạ tầng ở cấp huyện, Sở KH&CN hoặc Bộ KH&CN để được tư vấn, hỗ trợ về thông tin, cơ chế chính sách, trình tự thủ tục để có thể tham gia các nhiệm vụ KH&CN các cấp. Ngoài ra, các nhà sáng chế cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà nước thông qua hoạt động vay vốn của ngân hàng; các cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang