Hào Anh đối mặt với mức án 3 năm tù

author 09:58 15/07/2015

Chiếc máy tính trộm được, Hào Anh không bán mà mang ra tiệm cài đặt lại phần mềm để sử dụng. Theo nhà chức trách, thanh niên này đối mặt với mức án cao nhất là 3 năm tù.

Hào Anh tại trại tạm giam ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).

Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao khi Nguyễn Hoàng Anh (còn gọi là Hào Anh, 19 tuổi, ngụ Cà Mau) bị công an bắt về hành vi Trộm cắp tài sản. Đồng phạm là Phan Thảo Duy (20 tuổi), có quan hệ họ hàng với gia đình bên ngoại của Hào Anh.

Bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh) cho biết, nửa năm trước con trai từ huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) về nhà ở phường 8, TP Cà Mau để ăn Tết. Gặp lại Duy, Hào Anh rất vui vì cô gái này thường dẫn con trai bà đi ăn nhậu, vào vũ trường khi thanh niên mới lớn nhận được nhiều tiền từ những nhà hảo tâm.

Những ngày chở nhau đi chơi Tết, Hào Anh kể Duy nghe về người mẹ nuôi khá giả, kinh doanh khoai lang ở phố núi. Bà là bạn thân với mẹ của Hào Anh, thường đến miền Tây để phát triển thị trường, tìm nơi mở vựa nông sản mang thương hiệu Đà Lạt.

Sau Tết, Hào Anh trở lại phố núi, Duy khăn gói đi theo. Nghe thanh niên giới thiệu người đi cùng có quan hệ họ hàng với bà Thoa, mẹ nuôi của Hào Anh đồng ý để Duy gọi mình bằng mẹ và tạo điều kiện cho cô được ăn, ở miễn phí.

Sau vài tháng làm tại cơ sở nước chấm cùng với Hào Anh, Duy chê mức lương chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày. Gần đây, cô gái đi theo mẹ nuôi để cân khoai, tính tiền, Duy có thu nhập dao động 200.000 đến 300.000 đồng/ngày.

"Tôi cưu mang gần chục thanh niên quê Cà Mau và các cháu đều gọi bằng mẹ. Lúc đầu, thấy Duy dễ thương nhưng sau đó cháu quá ham chơi, lén lút sử dụng ma túy và có bao nhiêu tiền đều mua rượu. Trước khi Duy bị bắt vài ngày, tôi có mắng cô gái. Hôm Hào Anh dự sinh nhật bạn, không có Duy đi cùng", chủ vựa nông sản chia sẻ.

Gần nửa đêm 15/5, Hào Anh về đến phòng trọ sau tiệc sinh nhật thì nhận được nhiều cuộc điện thoại của Duy. Cô gái rủ thanh niên cùng quê đi ăn trộm. Nơi họ đến là văn phòng doanh nghiệp mà Hào Anh đang làm công.

Sáng 16/5, Hào Anh vẫn đi làm bình thường. Đến trưa, cậu nghe mọi người bàn tán về chiếc máy tính "không cánh mà bay". Lúc này, chủ cơ sở nghi trong cơ sở có "nội gián" vì phần mềm liên quan đến kinh doanh bị mất.

Biết được điều này, Hào Anh nghĩ đơn giản rằng, nếu cài đặt lại phần mềm thì tài sản phạm pháp trong phòng trọ của mình sẽ được an toàn. Hào Anh xin người quản lý về sớm để mang máy đi sửa.

Chủ cửa hàng máy tính ở thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) khởi động máy, kích hoạt dữ liệu thì phát hiện toàn bộ thông tin liên quan đến việc mua bán tại cơ sở nước chấm mà anh quen biết.

"Thợ sửa máy là chỗ họ hàng với chủ của Hào Anh. Mở máy ra là họ biết ngay đó là tài sản phạm pháp. Tôi đang đi làm thì nhận được điện thoại của công an, họ nói 2 đứa con nuôi của mình vi phạm pháp luật nên bị bắt. Lúc đầu, tôi không tin vì Hào Anh hiền. Chắc là nó bị Duy dụ dỗ làm chuyện dại dột", mẹ nuôi của các bị can nói.

Phát hiện phần mềm liên quan đến hoạt động kinh doanh của người thân, chủ cửa hàng máy tính từ chối cài đặt rồi báo sự việc cho nạn nhân. Chiều hôm đó, Hào Anh bị quản lý mời lên hỏi chuyện.

"Hào Anh lúc đầu không dám khai ra sự thật vì sợ mất việc. Chủ nó nói giá trị máy tính không bao nhiêu, quan trọng là phần mềm kinh doanh. Nếu nó khai thật sẽ được tha thứ, nhưng Hào Anh vẫn không thừa nhận đã lấy trộm. Quá giận, chủ cơ sở đã báo công an và khám xét phòng trọ thì thấy tang vật", mẹ Hào Anh kể về con trai.

Trò chuyện cùng phóng viên, một cán bộ điều tra cho biết, tài sản liên quan đến vụ trộm trị giá khoảng 4 đến 5 triệu đồng. Nếu bị truy tố, Hào Anh sẽ đối mặt với Khoản 1 của Điều 138, có mức án cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc ở tù từ 6 tháng đến 3 năm.

"Bị can thừa nhận tất cả hành vi, thành khẩn khai báo, có tình tiết giảm nhẹ nên có thể án sẽ không cao", một cảnh sát nói.

Điều 138, quy định về tội Trộm cắp tài sản:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức.

b) Có tính chất chuyên nghiệp.

c) Tái phạm nguy hiểm.

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm.

đ) Hành hung để tẩu thoát.

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Zing


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang