Hạt na có độc tố, cẩn thận khi ăn

author 18:00 04/08/2015

(VietQ.vn) - Trong hạt na có chất độc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi ăn, nếu có lỡ nuốt phải hạt cũng không nên quá lo lắng bởi chất độc đó đã được bọc bởi lớp màng cứng.

“Ti tỉ” công dụng với quả na

Cây na còn có tên là mãng cầu, mãng cầu dai, mãng cầu ta... Ngoài việc lấy quả chín để ăn, dân gian còn sử dụng lá, hạt và quả na bị điếc để làm thuốc.

Cây na thường cao từ 2-8m, vỏ có nhiều lỗ bì nhỏ, tròn, trắng. Lá hình mũi mác, tù hay nhọn, hơi mốc mốc ở phần dưới, hoàn toàn nhẵn, thường là mềm, dài 10cm, rộng 4cm, có 6-7 cặp gân phụ. Hoa nhỏ, màu xanh lục, mọc đối với lá, có cuống dài 2-3cm. Hoa thường rũ xuống, có 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa ngoài hẹp và dày, các cánh hoa ở trong rất hẹp hoặc thiếu hẳn, nhiều nhị và nhiều lá noãn. Quả mọng kép, màu xanh mốc, gần như hình cầu, đường kính 7-10cm, có từng múi, mỗi múi ứng với một lá noãn. Thịt quả trắng. Hạt đen có vỏ cứng.

Hạt na có độc tố, cẩn thận khi ăn

Hạt na có độc tố, cẩn thận khi ăn. Ảnh: Vnexpress

Trong quả có 72% glucose, 14,52% saccharose, 1,73% tinh bột, 2,7% protid và vitamin C. Trong lá có một alcaloid vô định hình, không có glucosid, lá xanh chứa 0,08% dầu. Hạt chứa 38,5-42% dầu, trong đó các acid béo (acid myristic, palmitic, stearic, arachidic, hexadecanoic và oleic) chiếm tỷ lệ lớn. Trong hạt có một alcaloid vô định hình gọi là anonain. Chất độc trong hạt và rễ là các glycerid và các acid có phân tử lớn. Lá, vỏ và rễ chứa acid hydrocyanic. Vỏ chứa anonain.

Theo các tài liệu được dùng trong đông y, lá na được dùng để chữa sốt rét. Người lớn 20 lá, trẻ em 10 lá (chọn các lá không bị sâu), rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội vào và lọc lấy nước, uống trước khi lên cơn sốt 2 giờ. Cũng có thể sắc lấy nước để uống với liều như trên. Ngày dùng một lần, thường chỉ dùng 3-4 lần là khỏi. Rễ và vỏ cây dùng trị ỉa chảy và trục giun.

Hạt na có tác dụng trừ chấy rận: Lấy hạt na giã nhỏ, nấu lấy nước gội đầu hoặc giặt quần áo, cũng có thể ngâm hạt na (đã giã nhỏ) vào rượu, sau đó dùng rượu vò đầu hoặc bôi vào tóc. 

Khi gội đầu, tuyệt đối không để nước hạt na bắn vào mắt vì nhân hạt na rất độc. Trong khi ăn quả na chín, nếu lỡ nuốt hạt cũng không sao vì lớp vỏ cứng bên ngoài đã bao bọc nhân hạt na, khiến chất độc không tiếp xúc được với hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, dân gian còn dùng quả na điếc (quả na bị một giống nấm làm hỏng, tự nhiên có màu đỏ tím rồi rụng hoặc khô đi), giã nát, đắp lên vùng vú bị sưng đau trong bệnh viêm tuyến vú.

Thậm chí, ở Vân Nam (Trung Quốc), lá na còn được dùng trị xích lỵ cấp tính; lá dùng trị trẻ em lòi dom; quả dùng trị phù thũng ác tính.

Ở Thái Lan, lá tươi và rễ dùng trị chấy, mụn nhọt, nấm tóc và lang ben.

Ở Ấn Độ, rễ được dùng gây xổ; hạt, quả và lá dùng diệt côn trùng, duốc cá, diệt chấy; hạt kích thích và gây sảy thai.

Hiện nay, na đang vào mùa. Theo khảo sát, giá na trên thị trường Hà Nội hiện từ 30-40.000 đồng/kg. Trong khi đó, chỉ hơn 1 tuần trước, giá na ở mức từ 50-65.000 đồng/kg.

Giải thích hiện tượng giảm giá nhanh như hiện nay, các nhà vườn cho biết: Na đã vào chính vụ, hơn nữa loại quả này chín rất nhanh và bảo quản khó nên cả tiểu thương và nhà vườn đều muốn “đẩy” hàng cho nhanh.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang