Hậu cổ phần hóa: Chuyên gia kinh tế băn khoăn DNNN vẫn chưa 'bứt phá'

author 16:15 03/12/2018

(VietQ.vn) - Quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa được coi là bài toán khó trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Xoay quanh vấn đề quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa, các chuyên gia kinh tế đã có những chia sẻ hết sức thực tế tại Diễn đàn "Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa" vừa diễn ra mới đây.

Tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%

TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế.

Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh nêu thực tế, nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%, tức là nắm giữ và chi phối mọi mặt hoạt động, vẫn giữ bộ máy ấy, lãnh đạo ấy và con người ấy nhưng được gọi tên là "cổ phần hóa". Bản chất sở hữu doanh nghiệp trên thế giới chủ yếu tồn tại hai hình thức đó là: Sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân. Còn tại Việt Nam hiện nay, sở hữu doanh nghiệp hậu cổ phần là hỗn hợp nên không thể "copy" các kỹ năng của thế giới để áp dụng được. 

Chuyên gia cũng lo ngại, các tiêu chuẩn quốc tế được cho là áp dụng tại doanh nghiệp sau cổ phần chỉ mang tính hình thức. "Chúng ta có cái vỏ là áp dụng kỹ năng quản trị, quản lý theo thông lệ quốc tế, nhưng thực chất cái ruột lại là Việt Nam, vẫn là lãnh đạo doanh nghiệp cũ", ông Ánh nói.

Để chứng minh cho kĩ năng quản trị còn nhiều hạn chế và thiếu sự kiểm soát, TS. Ánh đưa ra hai ví dụ: Tổng công ty Viễn thông Mobifone bỏ số tiền lớn để "mua hớ" AVG; và trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) bất đồng trong cơ chế thanh toán, giá bán than gây ồn ào dư luận.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ không đạt được mục tiêu nếu chỉ chạy theo tiến độ

Chuyên gia Tài chính - TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng, vấn đề quản trị DNNN vẫn còn nhiều nhược điểm. Việc cổ phần hoá DNNN sẽ không đạt được mục tiêu nếu chỉ chạy theo tiến độ theo kiểu đơn giản là biến hoá DNNN thành công ty cổ phần để Nhà nước cùng người lao động thu tiền về bằng cổ phần và cùng tồn tại.

Những doanh nghiệp nào không bị xóa thì hầu như không có gì đổi mới về cấu trúc thời hậu cổ phần hóa. Việc hậu cổ phần hóa như vậy khiến nền kinh tế Việt Nam cho đến nay vẫn cơ bản là một nền kinh tế lạc hậu, tư duy xin – cho vẫn còn duy trì. 

Nói về giải pháp, TS. Lai cho biết, cần làm rõ các mối quan hệ trách nhiệm kinh tế và phương án tái cơ cấu các DNNN lớn trước khi lên sàn. Sử dụng tiền của Nhà nước sau cổ phần hóa thế nào? Có tránh được vết xe đổ đã từng vấp không - khi cổ phần rồi mà tiền Nhà nước vẫn không thoái được?...

Bên cạnh đó, chuyên gia khẳng định, chỉ trong các lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên thì Nhà nước mới phải nắm giữ và có vai trò chi phối, như hạ tầng nước, hạ tầng giao thông quốc gia, một số tập đoàn tài chính ngân hàng, sản xuất vũ khí quân sự và ngành vệ sinh môi trường văn minh công cộng. Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần thoái vốn đến 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Lương công nhân không đủ sống, lấy gì để sáng tạo?(VietQ.vn) - PGS.TS.Vũ Quang Thọ cho rằng, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo và chuyên nghiệp... Tuy nhiên, con người có thể sáng tạo được không khi lương công nhân Việt Nam hiện không đủ sống?

Phương Mai

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang