Hậu Giang: Kỳ vọng từ mô hình trồng hồ tiêu ôm cây tràm

authorThảo Nguyên 11:01 15/02/2016

(VietQ.vn) - Trồng tiêu ôm cây tràm sẽ giúp nông dân cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích; góp phần phát triển diện tích rừng tràm ở địa phương

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trồng tiêu ôm cây tràm đang được xem là mô hình sáng tạo, hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn mặn ở tỉnh Hậu Giang.

Trước đây, vùng này đất này bị nhiễm phèn nặng, chỉ trồng được cây tràm, mía, khóm (dứa). Với cây lúa chỉ làm được một vụ vào mùa mưa, nhưng hiệu quả thấp. Người dân chỉ biết trồng sầu riêng, nhãn, vú sữa, cam, nhưng không hiệu quả… Rất nhiều hộ nông dân đã buộc phải đốn bỏ các loại cây trồng này. Trong lúc chưa biết chọn cây gì để chuyển đổi, một số hộ dân sau khi tận mắt chứng kiến mô hình trồng tiêu bên gốc tràm hiệu quả từ các địa phương khác đã mạnh dạn học học và ứng dụng.

Hậu Giang: Kỳ vọng từ mô hình trồng hồ tiêu ôm cây tràmHậu Giang: Kỳ vọng từ mô hình trồng hồ tiêu ôm cây tràm

Năm 2010, tận dụng số cây tràm hơn một năm tuổi sẵn có và một nọc tiêu của gia đình trồng để ăn sau nhà, ông Dương Thanh Bình ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn bắt đầu chiết ra trồng thử nghiệm 80 nọc tiêu. Do chưa có kinh nghiệm, nên chỉ có phân nửa số nọc tiêu phát triển tốt. Nhưng cũng từ số nọc tiêu này, ông lấy giống nhân rộng từ từ lên một nghìn nọc tiêu.

Hiện, số nọc tiêu của ông được 2 đến 3 năm tuổi và cho thu hoạch. Năm 2015, ông thu được 800 kg tiêu khô (1 kg tiêu khô bằng 3 kg tiêu tươi), bán với giá 220 nghìn đồng/kg. Theo ông Bình, một nọc tiêu từ 5 đến 6 năm tuổi có thể thu hoạch từ 4 đến 5 kg tiêu khô và trên nữa thì thu hoạch từ 6 đến 7 kg tiêu khô. Thông thường một nọc tiêu có thể thu hoạch trên 20 năm, khi đó còn có thêm nguồn thu từ cây tràm.

Nói về kỹ thuật, ông Bình chia sẻ: Trước tiên là trồng cây tràm hơn một năm tuổi phải đào sâu từ 5 đến 7 tấc, tiếp giáp với mặt nước, sau đó dùng vôi bột rải lên gốc tràm để hạ độ phèn trước khi đặt dây tiêu, với mật độ từ 1,5 đến 2 m một nọc tiêu và chỉ sử dụng phân chuồng. Với kỹ thuật này, tràm và tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, quá trình sinh trưởng của tràm và tiêu đều bảo đảm.

Theo tính toán của ông Bình, chi phí cho một nọc tiêu từ khi trồng đến cho thu hoạch (3 năm), bao gồm bầu tiêu giống (6 nghìn đồng), cây tràm (20 nghìn đồng), tiền công lên liếp, phân bón… khoảng 100 nghìn đồng. Sau ba năm, một nọc tiêu cho thu hoạch khoảng 1 đến 2 kg tiêu khô, đủ lấy lại vốn. Có thể nói, mô hình này phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất, chỉ cần một đến hai công đất trồng tiêu, thì chẳng những có cơ hội thoát nghèo mà còn có thể làm giàu.

Qua theo dõi, các cơ quan chuyên môn đưa ra kết luận: mô hình trồng tiêu trên gốc tràm ở vùng đất phèn được đánh giá thật sự có hiệu quả. Có thể dùng nhiều loại cây để làm nọc tiêu, nhưng chỉ sau vài năm thì nọc sẽ bị gãy đổ hoặc chết. Trong khi đó, tràm là loại cây lâu năm, có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế làm nọc tiêu sẽ không lo bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tán tràm còn giúp dây tiêu hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Điều khá thú vị là các vườn tiêu đều phát triển tốt, năng suất khá cao, ít bị sâu bệnh. Hơn nữa, bộ rễ của cây tràm tiết ra một số chất diệt được các nấm bệnh trên cây tiêu.

Năm 2009, diện tích tràm của huyện Long Mỹ (Hậu Giang) là 431 ha, hiện nay chỉ còn 226 ha. Nguyên nhân diện tích rừng giảm là do trồng tràm cho thu nhập thấp nên người dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Việc trồng tiêu ôm cây tràm được xem là mô hình hay, vừa giúp địa phương phát triển diện tích, tăng độ che phủ của rừng tràm, vừa giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang