Hậu thu hồi đất: 40% người dân tái định cư không có việc làm ổn định

author 12:42 19/02/2014

Nhà nước cần có chính sách rõ ràng nhằm hỗ trợ tái định cư đối với chỗ ở, việc làm, thu nhập nhằm ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất

Tại hội thảo lấy ý kiến về các dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai do Tổng cục Quản lý đất đai Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức, các bên đã đưa ra các ý kiến có liên quan đến ba nghị định cơ bản liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư và quy định về giá bồi thường đất đai cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, các quy định hiện nay chưa tính đúng, tính đủ những thiệt hại của người bị giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thống kê sơ bộ tại TP HCM cho thấy có đến 40% người lao động bị thu hồi đất không có việc làm ổn định, nhiều trẻ không được đến trường, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

người lao động bấp bênh hậu thu hồi đấtBà Tăng Thị Phắng có nhà bị giải tỏa trong dự án Rạch Ụ Cây, quận 8, sau khi tái định cư tại chung cư Tân Mỹ, quận 7 do khó làm ăn đã phải quay lại chỗ cũ thuê nhà đi bán xôi Ảnh: Quý Hiền

Vì thế, ông Nguyễn Văn Hồng cho rằng nên quy định về chính sách hỗ trợ hậu tái định cư đối với chỗ ở, việc làm - thu nhập trong thời gian 3 năm. Nếu sau 3 năm mà người lao động vẫn nghèo thì chuyển sang áp dụng chương trình xóa đói giảm nghèo. Kinh phí hỗ trợ này sẽ lấy từ quỹ phát triển đất.

Về phương án hỗ trợ đào tạo - chuyển đổi nghề đối với hộ gia đình - cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, dự thảo nghị định đưa ra 2 phương án: Tính theo số nhân khẩu lao động bị mất việc làm hoặc tính theo diện tích đất bị thu hồi (nhưng giá đất để tính hỗ trợ không quá 4 lần bảng giá đất đối với TP HCM, Hà Nội và không quá 3 lần bảng giá đất đối với các tỉnh, thành còn lại). Hình thức hỗ trợ đều được quy bằng tiền.

Rất nhiều đại biểu tham dự hội nghị đã ủng hộ cách tính theo nhân khẩu. Tuy nhiên, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho rằng cần cân nhắc kỹ giữa 2 phương án này. “Bản chất quy định là nhằm hỗ trợ thiệt hại cho người bị mất đất.

Sẽ không công bằng nếu hộ mất nhiều đất nhưng có ít nhân khẩu lại không được hỗ trợ bằng hộ mất đất ít nhưng có nhiều nhân khẩu” - ông nhìn nhận.Các đại biểu cũng kiến nghị việc tính giá trị bồi thường đất nông nghiệp không nên căn cứ vào thời gian giao đất còn lại.Vì như vậy, giá đất nông nghiệp được bồi thường sẽ rất thấp.

Về cách tính giá, đại diện Sở Tài chính TP HCM cho biết có 2 loại đất quy định trong bảng giá đất mà không thực hiện được là đất nông nghiệp sử dụng theo mục đích khác và đất mặt nước. Đây là 2 loại đất cũng được sử dụng, khai thác khá nhiều ở TP HCM.

Theo đề xuất của Sở Tài chính TP, đất nông nghiệp sử dụng theo mục đích khác nên tính theo giá đất sử dụng liền kề, còn đất mặt nước cần nghiên cứu xây dựng cho một hệ số để tính giá.Bên cạnh đó, quy định về việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất, đến từng vị trí cũng khó cho TP HCM thực hiện. Bởi lẽ, TP HCM có trên 300 tuyến đường, nên chỉ cần xác định đến phạm vi khu vực mà thôi

Theo Người lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang