Hãy nghĩ kỹ trước khi ký quyết định kiểm tra doanh nghiệp

author 16:03 22/05/2017

Chỉ thị số 20 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp thực sự là “món quà” rất có ý nghĩa của Thủ tướng đúng vào ngày ông trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 8 nội dung cụ thể, trong đó nhấn mạnh, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp. Trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.

Để nâng cao trách nhiệm trước khi người có thẩm quyền đặt bút ký việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Chỉ thị cũng chỉ rõ, các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chỉ thị số  20/CT-TTg tiếp tục cụ thể, chi tiết Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tuy nhiên, đúng như đánh giá trong Chỉ thị, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập.  

Thực tế, chúng ta vẫn bắt gặp những cụm từ như phải tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong các báo cáo, công văn của nhiều cơ quan nhà nước như là một thói quen. Cũng có cơ quan cho rằng, chúng tôi chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mỗi năm đúng có một lần thôi, có nhiều gì đâu? Nhưng cơ quan đó không biết rằng có hàng chục cơ quan công quyền các cấp đang cho mình cái quyền được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bất cứ lúc nào, với đầy đủ các kiểu dùng từ khác nhau, kể từ đến để làm việc, đến để nắm tình hình, đến để đôn đốc, vậy thì rõ là nhiều lần, sao nói là một lần được?

Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ cái khó với các cơ quan nhà nước là nếu họ không thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hay nắm tình hình mà để xảy ra vự việc không tốt, nhất là các vụ việc nghiêm trọng thì cũng dễ bị quy là buông lỏng quản lý, thiếu sâu, sát với công việc.

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ sợ bị “ấn tượng”, bị “đì” mà không dám phản ứng công khai khi bị thanh tra, kiểm tra nhiều. Ngược lại, không ít doanh nghiệp thì coi mỗi lần cơ quan nhà nước đến là một lần bị thanh tra, kiểm tra mặc dù không phải hoàn toàn là như vậy. Không phản ứng công khai được thì phản ứng gián tiếp, chỉ số PCI hàng năm vẫn phản ánh rất rõ là doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều lần, nhiều lượt, nhiều đoàn trong năm.

Nhiều người lo lắng liệu có doanh nghiệp nào đang làm “bậy” hoặc muốn làm “bậy” có thể lợi dụng sự thông thoáng tạo điều kiện này của nhà nước? Thế nhưng ở chiều ngược lại, thanh tra, kiểm tra nhiều lần, nhiều lượt, nhiều đoàn như vậy nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn vẫn làm sai mà không ai phát hiện ra. Như vậy thì phải chăng cứ kiểm tra, thanh tra nhiều là sẽ hiệu quả?

Rõ ràng, với hàng trăm nghìn doanh nghiệp ra đời mỗi năm, đã đến lúc chúng ta thay đổi cách kiểm tra, thanh tra. Một giải pháp đã được nhắc đến nhiều là nguyên tắc quản lý rủi ro. Theo đó, có đối tượng cần phải quan tâm, giám sát đặc biệt, còn lại cứ ra các quy định đầy đủ, chặt chẽ, các chuẩn mực mà doanh nghiệp căn cứ vào đó để làm. Giống như khi lái xe trên đường, có đầy đủ hệ thống biển báo, cứ chạy xe đúng là ổn, không ai được phép dừng xe để kiểm tra, trừ rất ít trường hợp, đương nhiên chạy sai là  sẽ bị xử lý.

Với các phương tiện, điều kiện kỹ thuật tiên tiến hiện nay, các cơ quan nhà nước có những phương tiện giám sát tự động, đầy hiệu quả đối với doanh nghiệp và và chia sẻ kết quả cho các cơ quan nhà nước khác. Việc này cũng giống như lắp camera trên đường theo dõi giao thông.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp nhỏ, có vài lao động với một văn phòng vài chục mét vuông, hóa đơn tính tiền điện, nước rất ít, thường xuyên thay đổi trụ sở, thay đổi người đại diện… mà bỗng nhiên doanh thu vống lên, hóa đơn VAT dùng hết nhiều quyển trong thời gian ngắn thì dấu hiệu của việc buôn bán hóa đơn đã là rất rõ ràng.

Các lĩnh vực ảnh hưởng đến môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, đưa người đi nước ngoài, bán hàng đa cấp... cũng cần phải được xử lý như vậy. Hơn thế, xử lý thật nghiêm, công bố công khai mánh khóe lừa đảo, trục lợi để làm gương cũng là giải pháp tốt và mang tính răn đe cao, rằng nhà nước biết cả đấy, có công cụ giám sát hữu hiệu cả đấy, đừng có nhắm mắt làm bừa mà mang họa.

Ở nhiều nước, người ta đã quản lý theo cách nếu doanh nghiệp gặp khó khăn gì thì cơ quan nhà nước đến tận nơi để quan tâm, tháo gỡ, còn những doanh nghiệp đã sống được, phát triển được thì cứ tuân theo pháp luật mà làm, yên tâm. Cũng doanh nghiệp ấy mà có vi phạm pháp luật thì cơ quan nhà nước chỉ là một trong những kênh phát hiện, xử lý, bởi xã hội, công luận, người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh … sẽ không để yên và doanh nghiệp đó sớm hay muộn cũng sẽ bị pháp luật “sờ gáy”. Khi đó, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị xử lý rất nghiêm, thậm chí đến mức phải phá sản, sập tiệm dù quy mô có lớn đến cỡ nào và dù vi phạm từ thời nào.

Rõ ràng, cần thay đổi tư duy rất mạnh, từ đó thay đổi cách thức quản lý mới mong chấn chỉnh được thật sự công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, uốn nắn, xử lý được doanh nghiệp chưa tốt, thậm chí bất chính, cũng là giúp đỡ các doanh nghiệp cố gắng làm ăn tốt, làm ăn chân chính.

Theo báo Chính phủ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang