Hé lộ bí mật ụ nổi triệu đô khiến Dương Chí Dũng ngồi tù

author 08:22 07/02/2014

Ụ nổi 83M “ngốn” hàng chục triệu đô do Dương Chí Dũng mua về hiện chỉ như đống sắt vụn nằm bất động tại khu vực cảng Gò Dầu, Long An.

Hành trình “đống sắt vụn” hơn 24 triệu đô về tay Dương Chí Dũng

Ụ nổi 83M do Mitsubishi Heavy Industries, một đơn vị Nhật Bản sản xuất năm 1965 cho Nhà máy sửa chữa tàu biển Nakhodka (Nga). 83M là số chế tạo của ụ nổi, kích thước trong lòng ụ dài 171 mét x 30 mét đủ để nhận những con tàu dài 180 mét, rộng 28 mét với mớn nước 7 mét.
Sau một thời gian dài sử dụng tại Nakhodka, ụ nổi 83M đã xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, năm 2006, Đăng Kiểm Nga quyết định không cấp phép cho ụ nổi này hoạt động. Mặc dù biết ụ nổi 83M đã hư hỏng, không sử dụng được, công ty môi giới giao bán dưới 5 triệu USD, nhưng Dương Chí Dũng và đồng bọn vẫn báo cáo là ụ nổi vẫn hoạt động bình thường để tiến hành mua lại với giá 9 triệu USD. Tính cả chi phí vận chuyển, bảo quản, sửa chữa, khi về đến Việt Nam, 83M tiêu tốn hết 24,3 triệu đô.
Theo cáo trạng của VKSND Hà Nội, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam (tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, khi chưa được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa bổ sung Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy. Trong Dự án này có hạng mục lắp đặt ụ nổi.
Trong việc đầu tư, tổ chức đấu thầu, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng đã ký các quyết định phê duyệt dự án đầu tư mua ụ nổi không tuân theo nguyên tắc chào hàng cạnh tranh, không thực hiện nguyên tắc đấu thầu. Khi Phó Tổng GĐ Vinalines kiêm Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Trần Hữu Chiều đến phòng làm việc báo cáo các thông tin sau khi khảo sát ụ nổi 83M tại Nga (ụ nổi của công ty Nakhodka, công ty AP – Singapore chỉ là nhà môi giới, ụ nổi già quá tuổi, hư hỏng nhiều, không còn hoạt động, đã bị Nga dừng phân cấp từ năm 2006, chủ sở hữu đưa giá đàm phán chỉ dưới 5 triệu USD…), nhưng do có mối quan hệ thân thiết với Ông God Hoon Seow (GĐ Công ty AP) từ lâu nên Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo: “Phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP- Singapore, không mua trực tiếp của Công ty Nokhodka”.
Từ chỉ đạo này, thông qua các thủ tục để hợp thức hóa việc mua bán, Dương Chí Dũng đã phê duyệt đầu tư mua ụ nổi 83M với tổng giá trị đầu tư là 19,5 triệu USD, trong đó giá trị mua ụ nổi 83M là 9 triệu USD qua Công ty AP. Sau khi hoàn tất việc mua ụ nổi 83M, Dũng và đồng bọn được “lại quả” 1,66 triệu USD từ Công ty AP.
Ụ nổi 83M đang lưu lạc ở đâu?
Ký hợp đồng mua ụ nổi 83M với Công ty AP xong, ngày 28/5/2008, ụ nổi 83M được vận chuyển từ cảng Nakhodka (Liên bang Nga) về Việt Nam bằng tàu nâng nặng của công ty Dock Wisi (Hà Lan). Ngày 6/6/2008, ụ nổi này được đưa về cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và được Chi cục hải quan Vân Phong Cục hải quan Khánh Hòa làm thủ tục thông quan, nhập khẩu. Sau đó, ụ nổi 83M trị giá 9 triệu USD tiếp tục được kéo về sông Thị Vải neo đậu tại cảng Gò Dầu B, tỉnh Long An. Sau khi vụ việc tham ô của Dương Chí Dũng và đồng bọn bị vỡ lở, hiện ụ nổi này vẫn còn nằm phơi nắng phơi mưa tại cảng Gò Dầu B.
Đại diện cảng Gò Dầu B (thuộc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai) cho biết: “Ụ nổi 83M được đưa về cảng cách đây khoảng năm năm. Trước đó, phía Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines hợp đồng với Công ty Dịch vụ hàng hải Đồng Nai để thuê bến phao tại cảng, đồng thời thuê tàu lai trực cảnh giới nhưng đến nay giữa hai bên đã chấm dứt hợp đồng”.
Theo cảng Gò Dầu B, ụ bỏ xó, thiếu người trông coi, dây neo bị mục, dễ dẫn đến đứt dây neo và trôi dạt, nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải rất lớn. Phía cảng nhiều lần gửi công văn cho Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines để nhắc nhở nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất cứ động tĩnh nào về việc sửa chữa ụ nổi.
“Công ty có văn bản yêu cầu Tổng công ty Hàng hải VN di dời ụ 83M ra khỏi cảng Gò Dầu B nhưng đến nay họ không trả lời. Họ chỉ nói ụ này đang là tang vật của vụ án nên chưa thể di dời”, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cho biết.
Theo bà Mai, ụ này nằm ở cảng nhiều năm, gây thiệt hại cho cảng rất nhiều. Nơi ụ đang neo đậu nằm sát bến tàu, khiến cảng không thể khai thác được vùng nước và đảm bảo an toàn hàng hải.
Tham dự phiên tòa xét xử nhóm bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm với tư cách là bị hại, ông Lê Triêu Thanh, đại diện Vinalines cho biết: Chi phí bảo vệ, trông coi, đảm bảo an toàn cho ụ nổi 83M tại cảng Gò Dầu B hiện tiêu tốn khoảng 1 tỷ/tháng. Còn tổng số tiền chi phí thì ông Thanh nói chưa tính được. Ông Thanh cũng cho biết thêm, hiện đã báo cáo thực trạng của ụ nổi cho cơ quan chủ quản là Bộ GTVT, các phương án sửa chữa, khai thác ụ nổi không còn khả thi. “Chúng tôi đang xin phép thanh lý để giảm thiệt hại, chưa được cho phép vì cơ quan CSĐT Bộ Công an nói đang thuộc vụ án chờ xét xử”, ông Thanh nói.

 

Theo Kienthuc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang