Hé lộ công nghệ siêu hiện đại sử dụng đào hầm tại tuyến Metro tỷ USD ở Hà Nội

author 14:11 22/08/2018

(VietQ.vn) - Theo đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Metro-Nhổn-ga Hà Nội sẽ sử dụng máy đào hầm theo công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của Ý.

Thông tin về tiến độ dự án Nhổn-ga Hà Nội, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, hiện nay, nhà ga Cát Linh, Kim Mã đang được các nhà thầu thi công hốc ngầm. Dự kiến khi 4 hốc ngầm đặt ga hoàn thiện, máy đào hầm bắt đầu vào khoan để làm ống ngầm.

Theo tiết lộ của bản quản lý dự án, việc đào hầm lần này sẽ thực hiện theo công nghệ Tunnel Boring Machine (TBM) của Italy. Đây là công nghệ đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ 20 năm trước. Được biết, công nghệ này cũng áp dụng cho tuyến metro 1B (Bến Thành - Suối Tiên) ở TP HCM.

Đặc điểm máy đào hầm này giống máy khoan hình trụ nằm ngang với đường kính 7-17,5 m, đủ để chứa thiết bị máy móc và công nhân ở bên trong để vận hành. Sau khi thi công, hầm sẽ gồm 2 ống hầm rộng 6,3 m. Để thực hiện được công việc đào hầm này phải cần tới 30 người vận hành máy, trong đó 15 người làm việc dưới lòng đất và 15 người làm việc phía trên. Các máy sẽ khoan ở độ sâu 21-22 m.

Máy đào hầm theo công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của Ý.

Máy đào hầm theo công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của Ý.  

Theo tìm hiểu, tiền thân của mẫu máy đào hầm TBM được chế tạo từ năm 1846, tại Turin (Italia). Thiết kế ban đầu của cỗ máy này rất cồng kềnh nên hoạt động không hiệu quả. Phải tới năm 1930, J.S. Robbins mới nghiên cứu và cho ra đời mẫu máy TBM đầu tiên với tính năng vượt trội hơn hẳn phiên bản cũ. Sau khi được nâng cấp vào những năm 1950, TBM được áp dụng rộng rãi trong đào hầm núi đá và trở thành công nghệ số 1 thế giới về đào hầm.

Ưu điểm vượt trội của công nghệ đào hầm TBM này là dù thi công bên dưới nhưng hầu như không làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng trên mặt đất. Đặc điểm của hầm tàu điện ngầm là rất nông nhưng địa chất phức tạp, mức nước ngầm cao..., nên việc thi công bằng công nghệ TMB đã giải quyết được tất cả những vấn đề trên trong khi tất cả những phương pháp khác không làm được.

Thông tin cụ thể về công nghệ đào hầm TBM hiện đại nói trên, thạc sĩ khoa học Lê Văn Cường, Giám đốc dự án tuyến tàu điện ngầm số 1, TP HCM - dự án áp dụng công nghệ thi công TBM cho biết, công nghệ đào hầm TBM ra đời được đánh giá là cứu cánh cho các dự án tàu điện ngầm vì những ưu điểm của nó như: Độ an toàn cao, thân thiện môi trường, không làm rung động, chấn động do nổ mìn. Có thể khoan hầm với tiết diện chính xác như thiết kế với tốc độ thi công nhanh từ 50 -100m/ngày khi sử dụng TBM khoan núi đá.

Biến smartphone thành máy scan hình ảnh, tài liệu tiện ích(VietQ.vn) - Chỉ với một chiếc smartphone người dùng có thể biến thành một chiếc máy scan di động, giúp scan tài liệu nhằm lưu trữ hoặc chia sẻ chúng dễ dàng hơn.

Thực tế cho thấy, áp dụng theo công nghệ đào hầm hiện đại này giúp rút ngắn thời gian thi công, chính xác, đa năng, an toàn và hầm càng dài thì càng kinh tế. TBM có những loại chính là TBM khoan đá, TBM EPB và TBM Slurry. Về nguyên lý hoạt động, TBM EPB thường dùng khoan đất, có thể sử dụng cả trong môi trường đất yếu. Theo đó, đất được khoan vào khoang máy tạo lực ép cân bằng với lực ép đất đá bên ngoài. Còn TBM Slurry thường áp dụng cho địa chất là cát, phần trăm đất sét thấp, đặc biệt hiệu quả với địa chất cát dưới mực nước ngầm. 

Ngoài ra, hầm được đào trong vỏ sắt bảo vệ của máy TBM. Hầm đào đến đâu, vỏ bê tông vĩnh cửu được lấp tới đó, khoảng không giữa vỏ bê tông và lớp đất ngoài được phun vữa bê tông chất lượng cao hoặc hỗn hợp silicat đạt tiêu chuẩn nên việc sập hầm không xảy ra. Với phương pháp đào hầm theo công nghệ này sẽ giúp kỹ sư, công nhân tham gia thi công được an toàn hơn so với các phương pháp khác.

Không chỉ có nhiệm vụ thi công các công trình điện ngầm, công nghệ TBM còn sử dụng thi công các công trình ngầm phức tạp hơn. Bằng chứng cho thấy hầu hết các công trình tàu điện ngầm trên thế giới, trong đó có nhiều công trình đường hầm dài đều sử dụng hai loại máy trên.

Điển hình là công trình hầm đường sắt nối Pháp với Anh, dài 50,5km, khởi công năm 1988, hoàn thành năm 1994. Gần đây nhất là đường hầm Gotthard dài nhất thế giới (57km) ở Thụy Sĩ khánh thành năm 2015. Đường hầm này có địa chất đá rất phức tạp nhưng không gây khó cho các nhà thầu khi họ áp dụng công nghệ TBM thi công. Công trình đưa vào sử dụng đạt chất lượng cao, tàu đi qua đường hầm có thể chạy với vận tốc 250km/h. 

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đầu năm 2017 thành phố báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021.

Đến đầu tháng 6, dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đặt kế hoạch hoàn thành xây dựng vào quý IV/2022 và vận hành vào quý I/2023. Tuy nhiên UBND TP Hà Nội yêu cầu các nhà thầu hoàn thiện dự án vào năm 2022. Tổng mức đầu tư dự án sau hai lần tăng giá, đến nay đã lên đến gần 36.000 tỷ đồng.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang