Hệ thống siêu thị Thành Đô bán sản phẩm không rõ nguồn gốc?

author 07:20 21/10/2020

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận, nhiều sản phẩm may mặc bày bán tại hệ thống siêu thị Thành Đô không có tem nhãn, các sản phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, tem hợp quy.

Phản ánh đến Chất lượng Việt Nam online (Vietq.vn), nhiều người tiêu dùng cho biết, các sản phẩm may mặc bán tại hệ thống siêu thị Thành Đô không có tem nhãn, có dấu hiệu không đảm bảo về chất lượng.

Hệ thống siêu thị Thành Đô bán sản phẩm không rõ nguồn gốc

 Người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng các sản phẩm may mặc may mặc bán tại hệ thống siêu thị Thành Đô.

Ngay sau khi nhận được phản ánh trên, PV Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) đã tiến hành ghi nhận thực tế tại siêu thị Thành Đô trên đường Giải Phóng. Tại cơ sở này, rất nhiều sản phẩm may mặc không chỉ cho người lớn mà cả trẻ em (đối tượng cần được bảo vệ nhất) không có tem hợp quy (CR).

Hệ thống siêu thị Thành Đô bán sản phẩm không rõ nguồn gốc

 Các sản phẩm may mặc dành cho trẻ em bán tại đây không có tem CR theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT, do Bộ Công Thương ban hành, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được kiểm tra và dán nhãn chứng nhận hợp quy, chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.

Thậm chí, theo quan sát, rất nhiều sản phẩm may mặc bán tại đây trên nhãn mác chỉ có những dòng chữ tiếng nước ngoài chứ không có nhãn phụ tiếng Việt để người mua hàng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, thành phần…. Thế nên, người tiêu dùng có thể đặt nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm này.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, với việc bán hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài không có tem phụ tiếng Việt là vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.

Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định về nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.

"Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh mua bán hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tại thị trường Việt Nam không có tem phụ bằng tiếng Việt mà giá trị sản phẩm từ 3 triệu đồng trở lên sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản1, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, cá nhân tổ chức có hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam lên sản phẩm có tem mác bằng tiếng nước ngoài mà giá trị của sản phẩm đó từ 3 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 trệu đồng, đối với sản phẩm có giá trị trên 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tùy vào giá trị thực tế của sản phẩm mà bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đối với sản phẩm có giá trị trên 100 triệu đồng thì mức phạt tiền sẽ từ 25 triệu đến 30 triệu đồng", luật sư Cường thông tin.

Cũng theo luật sư Cường, đối với việc bán hàng không có nhãn mác (cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thành phần...) chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 nghị định 43/2017/NĐ-CP thì nhãn mác hàng hóa được hiểu là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Thông qua nhãn mác hàng hóa, người tiêu dùng có thể nhận biết, làm căn cứ để lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm, đồng thời để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Theo quy định nhãn hàng hóa là yếu tố bắt buộc phải được thể hiện trên sản phẩm hàng hóa.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn mác hàng hóa mà không có đối với hàng hóa có giá trị đến 5 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Hàng hóa không có nhãn mác có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 60 triệu đồng.

Đối với sản phẩm may mặc không thực hiện công bố hợp quy căn cứ theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, bắt buộc phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa nếu doanh nghiệp không thực hiện công bố hợp quy, đăng ký hồ sơ công bố hợp quy, sử dụng dấu hợp quy hoặc sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với hàng hóa.

Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang