Hệ thống siêu thị có thể bị phạt nặng vì loạt sai phạm?

author 07:03 28/09/2020

(VietQ.vn) - Như Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) đã phản ánh, hệ thống siêu thị Vườn của bé bán hàng không nhãn mác. Bên cạnh đó, tại đây còn không xuất hóa đơn VAT cho khách hàng khi khách hàng yêu cầu.

Hệ thống siêu thị Vườn của bé bán hàng "xách tay" không nhãn phụ tiếng Việt, một số sản phẩm không có nhãn mác. Cùng với đó, khi khách hàng mua hàng có trị giá trên 200.000 đồng tại đây, siêu thị không xuất hóa đơn VAT khi khách hàng yêu cầu. 

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, với việc bán hàng xách tay từ nước ngoài không có tem phụ tiếng Việt là vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.

Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định về nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.

"Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh mua bán hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tại thị trường Việt Nam không có tem phụ bằng tiếng Việt mà giá trị sản phẩm từ 3 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản1, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, cá nhân tổ chức có hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam lên sản phẩm có tem mác bằng tiếng nước ngoài mà giá trị của sản phẩm đó từ 3 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 trệu đồng, đối với sản phẩm có giá trị trên 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tùy vào giá trị thực tế của sản phẩm mà bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đối với sản phẩm có giá trị trên 100 triệu đồng thì mức phạt tiền sẽ từ 25 triệu đến 30 triệu đồng", luật sư Cường thông tin.

hệ thống siêu thị “Vườn của bé” thuộc công ty TNHH Thiên Kim Hải, có trụ sở chính tại 38 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội do bà Vũ Ngọc Hài làm chủ.

 Hầu hết các sản phẩm "xách tay" tại Vườn của bé đều không có nhãn phụ tiếng Việt.

Cũng theo luật sư Cường, đối với việc bán hàng không có nhãn mác (cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thành phần... chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 nghị định 43/2017/NĐ-CP thì nhãn mác hàng hóa được hiểu là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Thông qua nhãn mác hàng hóa, người tiêu dùng có thể nhận biết, làm căn cứ để lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm, đồng thời để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Theo quy định nhãn hàng hóa là yếu tố bắt buộc phải được thể hiện trên sản phẩm hàng hóa.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn mác hàng hóa mà không có đối với hàng hóa có giá trị đến 5 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Hàng hóa không có nhãn mác có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 60 triệu đồng.

Nhiều loại thực phẩm bán tại Vườn của bé cũng không có nhãn mác.

Đặc biệt, luật sư Cường nhấn mạnh, đối với những trường hợp không xuất hóa đơn VAT chiếu theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT – BTC ngày 17/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn thì tổ chức cá nhân khi bán hàng hóa dịch vụ mà không lập hóa đơn đối với giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua thì phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi nêu trên còn có thể xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 13 Nghị định số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá thì bị phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên.

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam Online đã thông tin, dù năm 2018 và 2019 hệ thống Vườn của bé từng bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên đến nay, hệ thống siêu thị này vẫn tiếp tục tái diễn. Chúng tôi cũng đã phản ánh sự việc đến lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội. 

Hệ thống siêu thị Vườn của bé thuộc công ty TNHH Thiên Kim Hải, có trụ sở chính tại 38 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội do bà Vũ Ngọc Hài làm chủ. 

Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!

Hiệp Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang