Mở rộng phát triển hệ thống TCVN, QCVN theo hướng bao trùm các lĩnh vực trong nền kinh tế

author 07:17 14/08/2018

(VietQ.vn) - Hệ thống TCVN hiện có khoảng 10.500 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 49% đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố năm 2018 diễn ra mới đây.

Trong báo cáo sơ kết giữa kỳ giai đoạn II Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", ông Trần Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) ngày càng được hoàn thiện tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ. Năm 2016 -2017, tổng số tiêu chuẩn quốc gia đã được xây dựng và công bố là khoảng 2000 TCVN. Năm 2018, khoảng hơn 1000 TCVN sẽ tiếp tục được các Bộ, ngành xây dựng.

Hội thảo Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố năm 2018 diễn ra mới đây tại Đà Nẵng. 

Theo ông Thắng, Hệ thống quy chuẩn quốc gia (QCVN) với khoảng 700 QCVN trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.

Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng mới các TCVN, QCVN, hệ thống TCVN, QCVN thường xuyên, định kỳ được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Các QCVN quản lý SPHH nhóm 2 của Bộ quản lý chuyên ngành đã có những thay đổi rõ nét theo hướng thông thoáng (hậu kiểm cho những đối tượng SPHH không yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt) nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, loại bỏ rào cản kỹ thuật không cần thiết.

Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã chủ động, phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng, soát xét các TCVN về nông nghiệp hữu cơ; cụ thể: thực hiện soát xét TCVN 11041:2015; xây dựng mới các TCVN về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Trong năm 2018, các TCVN về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như: tôm hữu cơ, gạo hữu cơ, chè hữu cơ, sữa hữu cơ... sẽ tiếp tục được xây dựng, công bố.

Bộ KH&CN cũng đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xác định lộ trình để ưu tiên tập trung xây dựng một số TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược như: Đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo…

Để đảm bảo tính cân đối của hệ thống tiêu chuẩn, hoạt động hướng dẫn xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cũng được tiếp tục triển khai nhân rộng thông qua cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia và các chi cục TCĐLCL địa phương với các hình thức: đào tạo nghiệp vụ, hướng dẫn xây dựng, áp dụng TCCS. Năm 2016-2018 tổ chức hướng dẫn xây dựng và áp dụng TCCS cho khoảng 1500 lượt doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, luyện kim, điện-điện tử, sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất sản phẩm giấy, nông nghiệp, thực phẩm...

Chất lượng của hoạt động xây dựng TCVN ngày càng được nâng lên thông qua đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho các thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và các cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các Bộ, ngành, doanh nghiệp.

Đánh giá về mục tiêu xây dựng mới 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải cho biết, năm 2016-2018, Bộ khoa học và Công nghệ và các Bộ ngành khác đã tổ chức xây dựng khoảng 3.000 TCVN. Đến nay, hệ thống TCVN có khoảng 10.500 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 49% (kết thúc giai đoạn I, hệ thống TCVN có hơn 8.600 TCVN, tỷ lệ hài hòa đạt khoảng 45%).

“Như vậy, mục tiêu xây dựng mới 2.000 TCVN cho các SPHH chủ lực và các lĩnh vực liên quan, với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% của giai đoạn II của Chương trình là hoàn toàn khả thi”, ông Hải khẳng định.

Đối với mục tiêu hoàn thiện hệ thống QCVN, hiện có khoảng 700 QCVN được 14 Bộ quản lý chuyên ngành/lĩnh vực ban hành, con số này ở giai đoạn I là 600 QCVN.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã hướng dẫn, phối hợp với các Bộ ngành đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng các QCVN theo hướng QCVN cần quy định cụ thể biện pháp quản lý bảo đảm không gây cản trở đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm. Các Bộ hiện đang quản lý chất lượng SPHH nhóm 2 theo TCVN hoặc thông tư phải thực hiện xây dựng và quản lý theo QCVN, từ đó, hệ thống QCVN sẽ ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu của Chương trình.

Khẳng định vị thế hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong phát triển kinh tế địa phương(VietQ.vn) - Ngày 3/8, tại Đà Nẵng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã tổ chức Hội thảo Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh thành phố năm 2018.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang