Heo vàng cõng quất bonsai và nỗi lòng của người chăm bón mỗi khi Tết đến Xuân về

author 06:52 06/02/2019

(VietQ.vn) - Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người trồng quất cảnh lại phải “vắt óc” tư duy, đổi mới, sáng tạo xem thị trường cần gì để đáp ứng nhu cầu. Và năm nay, “heo vàng cõng quất bonsai” là chủ đề nhiều nhà vườn lựa chọn.

Sự kiện: Tết Nguyên đán

“Quất cưỡi ỉn đón Tết”

Vào dịp cuối năm, không khí hối hả tất bật diễn ra khắp nơi. Nơi đâu người ta cũng kháo nhau về “tổng kết” gấp rút công việc và mua sắm chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi 2019.

Đối với các nhà vườn chuyên cung cấp cây cảnh cho thị trường, từ đầu năm họ đã xác định, điểm nhấn cây cảnh chào đón Tết sẽ là “Ỉn vàng” cõng bonsai đón Tết. Chính vì thế, thời điểm các tháng cuối năm, đến nhà vườn nào cũng thấy những hình ảnh ấn tượng. Những chú “Ỉn vàng” làm từ đất nung, màu sắc sặc sỡ, đã dạng kích thước, cười tít mắt hoặc mặt nhìn hoan hỉ chào đón các “Thượng đế”.

 Quất bonsai hút khách dịp Tết

Theo tìm hiểu của PV, dân gian Việt Nam từ lâu coi lợn (heo/ ỉn) là biểu tượng cho sự an nhàn, thảnh thơi, mang lại tài lộc, sức khỏe… Với xu hướng, Tết đến Xuân về chọn các con vật gắn với 12 con giáp kết hợp với cây bonsai bán rất đắt hàng nên năm Kỷ Hợi 2019 này, các nhà vườn chọn heo vàng cõng bonsai là điều dễ hiểu.

Tại khu trồng quất bonsai Tứ Liên, Tây Hồ (Hà Nội), kể từ sau Tết 2018, người dân nơi đây đã bắt đầu ươm trồng quất trong những bình gốm hình heo, chăm sóc tỷ mỉ để phục vụ người dân dịp tết Kỷ Hợi 2019.

Chia sẻ với PV ông Bắc Hiệp - chủ nhà vườn Bắc Hiệp ở Tứ Liên, Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, vài năm trở lại, quất bonsai được người dân ưa chuộng.

“Năm Kỷ Hợi sắp tới, nhà vườn bán ra thị trường hàng loạt bình “lợn vàng cõng bonsai”. Trong đó chủ yếu là “Ỉn cõng quất bonsai”. Giá bán những bình quất bonsai dao động từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng, tùy loại”, ông Bắc Hiệp chia sẻ.

Đặc biệt, có nhiều bình được nhà vườn thiết kế hoặc đặt thiết kế kèm theo các hình họa tiết, chữ viết hình Phúc - Lộc - Thọ; Kim Quy hóa rồng,… Có nhiều bình lớn, họa tiết công phu, giá từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Theo anh Hiệp, trước tết khoảng 1-2 tháng, nhiều khách hàng đã tới nhà vườn chọn, đặt những bình ưng ý. Họ chủ yếu là doanh nghiệp, hoặc là những người có thu nhập khá giả … Họ đặt để tặng công ty, bạn bè, người thân hoặc trưng trong gia đình. Sau khi đặt mua, khách hàng có thể nhờ chủ vườn chăm sóc, đến gần Tết các bình quất bonsai hoa quả rực rỡ sẽ được chuyển về.

“Đau đáu”nỗi niềm người trồng quất cảnh

Năm nay, thời tiết mùa Đông tại miền Bắc diễn biến thất thường. Có thời điểm, nắng nóng kéo dài, lúc đột ngột trở lạnh rét đậm rét hại làm người dân trồng quất vùng Tứ Liên lo đau đáu.

Ông Trần Văn Sản - Chủ nhà vường Anh Sản ở Tứ Liên bộc bạch, thời tiết là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh phát triển, làm cây quất chết hoặc rụng quả.

“Đợt nắng nóng đầu mùa Đông vừa rồi, gia đình rất lo ruộng quất sẽ hỏng. Chúng tôi phải làm việc cật lực để chăm sóc cho cây. Đặc biệt, những cây trong chậu, bình gốm phải tưới nước liên tục kể cả trưa nắng. Những cây ngoài đất chưa chuyển vào ang, do được tiếp xúc trực tiếp với đất nên không phải tưới tắm nhiều”, ông Sản nói.

 Người dân kỳ công chăm sóc "heo vàng cõng quất" phục vụ khách hàng.

Chủ vườn quất Anh Sản cũng cho hay, thời tiết nắng nóng đột ngột chuyển rét đậm rét hại sẽ khiến quả rụng nhiều, cây quất bị chết do sâu đục thân tấn công. Nếu nhà vườn không phát hiện kịp thời sẽ chết, gây tổn thất lớn. Bên cạnh đó, những cây có mầm bệnh, quả, lá sẽ xấu, không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Nỗi lo dịch bệnh, thời tiết chưa qua, người dân trồng quất Tứ Liên nói riêng, người trồng quất cảnh nói chung lại phải đối diện với tình cảnh “được mùa mất giá”. Theo ông Sản, trước Tết, nhiều gia đình, công ty… đặt trước quất cảnh, nhưng số lượng chỉ chiếm 1/3 vườn. Số còn lại, phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng những ngày gần Tết. “Không chỉ riêng tôi, tất cả người dân trồng quất cảnh đều lo Tết năm nay quất sẽ mất giá, đặc biệt là loại quất truyền thống”, ông Sản bộc bạch.

Trồng quất cảnh phải xuất phát từ tình yêu

Hình ảnh người dân chặt bỏ quất vì khách hàng trả giá quá rẻ ngày 30 Tết năm trước vẫn còn “ám ảnh” người trồng quất mỗi dịp Tết đến. Tuy nhiên, dù có vất vả khó khăn, người dân trồng quất Tứ Liên “quyết không bỏ nghề cha ông truyền lại”. Ông Hiệp khẳng định, bất cứ ai khi kinh doanh, sản xuất một mặt hàng nào… đầu tiên phải có lòng yêu nghề. “Đối với nghề trồng quất cảnh, nếu không có sự đam mê, những người dân Tứ Liên chúng tôi không thể ăn - ngủ - làm việc cùng nó lâu dài”, ông Hiệp nói.

 Trồng quất cảnh phải bằng tình yêu nghề.

Theo ông Hiệp, để cải thiện chất lượng sản phẩm quất, người dân nên tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng mỗi năm, luôn bắt kịp xu hướng. Bên cạnh đó, người dân nên chủ động phòng tránh dịch bệnh cho cây, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. “Nếu sản phẩm quất Tứ Liên chất lượng, kiểu dáng độc đáo, mới lạ thì không lo thương lái “ép giá”. Hơn nữa, giá trị kinh tế thu lại cao hơn”, ông Hiệp nói thêm.

Triệu Vy

Tiễn ông Công ông Táo lên trời: 'Thả cá, không thả túi nilon'(VietQ.vn) - Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người Việt lại thực hiện lễ thả cá chép tiễn ông Công ông Táo lên trời. Đây là nét văn hóa truyền thống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang