Hết thời “cân điêu”?

author 07:57 03/07/2012

(VietQ.vn) – Những kẻ “cân điêu” sẽ bị công khai danh tính, khi bị phát hiện là những điểm mới của Luật Đo lường mới có hiệu lực từ 1/7.

Muôn kiểu cân điêu

Trong vai người đi mua hoa quả tại chợ Xanh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, PV Chất lượng Việt Nam Online mua 1kg xoài từ một quầy bán rong trong chợ. Ngay sau đó, đối chứng với cân của Chi cục (Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) TCĐLCL Hà Nội, khối lượng xoài chỉ còn 0,7kg.
Những chiếc cân như này có thể khiến người mua hàng phải kiểm tra lại. Ảnh: PĐ
Những chiếc cân ở chợ Xanh như này có thể khiến người mua hàng phải kiểm tra lại. Ảnh: PĐ
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều người bán hoa quả ở đây dùng “thủ thuật” chỉnh sửa lại lò xo trong các cân để “ăn gian” khách hàng. “Tính ra, mỗi ngày họ bán được hàng trăm kg hoa quả. Không tính tiền chênh lệch, mà chỉ cần tính tiền gian lận nhờ cân điêu thôi cũng đến gần 500 nghìn” – chị Thu Hương, một người nhiều năm trông xe ở đây tiết lộ.
 
Thiệt thòi nhất là giới sinh viên khi đi chợ mua sắm thực phẩm hàng ngày, vẫn bị những kẻ cân điêu “ăn chặn” những đồng tiền ít ỏi của mình.
 
Nhưng hệ quả nghiêm trọng của việc cân điêu là tạo ra cạnh tranh trong kinh doanh không lành mạnh. Những kẻ cân điêu có thể giảm giá sản phẩm, so với những người cân đong chính xác nên ban đầu sẽ có nhiều người mua hàng hơn. Còn những người lúc đầu cân chính xác, khi bị “ế” hàng, có thể sẽ học theo cách làm sai trái này.
 
“Có những người bán hàng ở quầy cố định, nếu thấy người mua là vãng lai, không phải khách quen thì sẽ cân điêu. Còn nếu là khách quen thì sẽ cân “tươi” lên một chút, nhưng thực sự đó là cân đúng chứ họ không cho thêm hàng đâu” – chị Nguyễn Vân Oanh, chủ một tiệm ăn trên đường Hoàng Quốc Việt cho biết.
 
“Cây đũa thần” có nguy cơ bị “gẫy”
 
Một trong những biện pháp để hạn chế việc cân thiếu chính xác là tại các chợ, cơ quan TCĐLCL đã đặt các cân đối chứng. Tại đó, người dân có thể đem hàng hóa mình đã mua để cân lại xem có chuẩn xác không.
 
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, vị trí đặt cân và việc bảo quản cân chưa được các ban quản lý chợ làm tốt. Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cân đối chứng nằm ở sâu giữa chợ, nhiều chỗ đã han gỉ, không thấy bảng hướng dẫn cho người mua hàng biết tác dụng và cách sử dụng. Nhiều chợ khác ở Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự.
 
Đại diện Chi cục TCĐLCL Hà Nội cho biết, sau khi triển khai cân đối chứng, họ đã bàn giao cho ban quản lý các chợ. Tuy nhiên, các ban quản lý này hoạt động còn chưa thực sự có trách nhiệm, nên việc cân đối chứng còn hạn chế tác dụng.
 
Vì thế hiện nay, nhiều bà nội trợ nếu muốn kiểm tra lượng hàng hóa mình mua có chính xác không thường phải “thủ” sẵn một chiếc cân chuẩn mang theo, hoặc để ở nhà, mang hàng về kiểm tra.
 
Với việc Luật Đo lường có hiệu lực kể từ 1/7, nhiều người dân mong mỏi các cơ quan chức năng cần hoạt động hiệu quả, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp cân đo không chính xác.
 
Thông báo công khai người vi phạm về đo lường
 
"1. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không phù hợp với quy định của Luật này thì đoàn kiểm tra thực hiện các biện pháp sau đây:
a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản, duy trì, sử dụng chuẩn đo lường tạm dừng việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chuẩn đo lường đó và thực hiện ngay các biện pháp khắc phục;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo tạm dừng việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo đó và thực hiện ngay biện pháp khắc phục;
c) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn tạm dừng việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó và thực hiện ngay biện pháp khắc phục;
d) Yêu cầu tổ chức, cá nhân tạm dừng phép đo và thực hiện ngay biện pháp khắc phục;
đ) Yêu cầu tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tạm dừng hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không phù hợp và thực hiện ngay biện pháp khắc phục.
2. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đo lường hoặc sau khi đã yêu cầu thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này mà tổ chức, cá nhân đó vẫn tiếp tục vi phạm thì đoàn kiểm tra thực hiện các biện pháp sau đây:
a) Yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm;
b) Niêm phong chuẩn đo lường, phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn không phù hợp quy định;
c) Báo cáo ngay với cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ kiểm tra gửi cơ quan có thẩm quyền gồm công văn của cơ quan thực hiện kiểm tra, biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra và các giấy tờ, chứng cứ có liên quan. Hồ sơ kiểm tra là một trong các cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định;
d) Kiến nghị cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân và những sai phạm liên quan.
3. Trên cơ sở kiến nghị của đoàn kiểm tra, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân và những sai phạm liên quan.
4. Trường hợp đoàn kiểm tra có thành viên là thanh tra viên khoa học và công nghệ, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, công an, quản lý thị trường hoặc của cơ quan khác có thẩm quyền thì thành viên này thực hiện ngay việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật".
(Theo Điều 48, Luật Đo lường)

Phương Đông

 

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang