Hiểm họa pin phát nổ trong các thiết bị điện tử, đồ chơi rẻ tiền

author 14:04 17/02/2017

(VietQ.vn) - Không chỉ chiếc micro phát nổ, hàng loạt các vụ nổ từ các thiết bị điện tử, đồ chơi trẻ em đều liên quan tới pin.

Thương tích nặng vì pin đồ chơi, thiết bị điện tử phát nổ

Micro phát nổ khi đang sạc

Ngày 5/2 vừa qua, tài khoản facebook Nguyễn Ngọc Sáng chia sẻ một đoạn clip dài gần 5 phút kèm theo hình ảnh chiếc micro karaoke phát nổ lớn trong phòng khi đang sạc. Quá trình chiếc micro phát nổ được camera ghi lại.

Theo chủ tài khoản facebook, chiếc micro phát nổ khi đang sạc tại công ty máy tính Thăng Long.

Chiếc micro phát nổ khi đang sạc tại công ty máy tính. Ảnh facebook

“Cũng may không có thiệt hại về người và tài sản. Mọi người sử dụng thì cẩn thận nhất là khi đang sạc không nên cho trẻ con nghịch và để xa vật dụng bén lửa. Cũng may lúc đó không có ai ở đó”, anh Sáng chia sẻ.

 Sau khi phát nổ, phần đuôi chiếc micro karaoke màu vàng bị cháy đen, toàn bộ dây, nguồn bị hỏng.

Sau khi chia sẻ trên mạng xã hội facebook, một số người cho rằng, nguyên nhân chiếc micro phát nổ là do pin: “Đúng model hàng nhái bị nổ lần trước”, tài khoản facebook Lê Minh Tân chia sẻ.

Không chỉ micro karaoke phát nổ, nhiều thiết bị dùng pin điện tử như đồ chơi trẻ em, đồ điện tử dùng pin sạc không rõ nguồn gốc như quạt điện mini, sạc dự phòng, đồng hồ, đèn ngủ,…cũng bị phát nổ trước đó.

Video micro phát nổ khi đang sạc:

Bé trai mù mắt, đứt tay vì thiết bị điện phát nổ

Cuối tháng 12/2016, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM cũng tiếp nhận một bé trai (hơn 3 tuổi, ở Bà Rịa- Vũng Tàu) bị dập nát bàn tay phải, mắt phải vỡ nhãn cầu.

Phụ huynh của bé cho biết, khi xảy ra tai nạn, bé đang chơi một mình trong phòng khách. Khi nghe tiếng hét của bé kèm tiếng nổ lớn, người lớn chạy đến thì thấy bàn tay bé đầy máu, cạnh đó, một thiết bị điện vỡ nát.

Theo gia đình bệnh nhi, thiết bị nổ là bộ phận điện tử dùng để lắp vào xe gắn máy nhằm mục đích làm to tiếng còi xe. Thiết bị này đã hỏng nên được tháo ra nhưng chưa kịp vứt đi.

Pin đồ chơi điện tử giá rẻ phát nổ

Những cục pin trong các loại đồ chơi của trẻ em, xuất xứ từ Trung Quốc tiềm tàng nhiều mối lo ngại cho trẻ em và các bậc phụ huynh. Đã có nhiều vụ nổ pin đồ chơi gây thương tích nặng cho trẻ.  Bé Nguyễn Chí Tú, 11 tuổi, ở Ninh Thuận bị tổn thương nặng ở vùng mắt và các ngón tay.

 Pin trong các sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. 

Theo gia đình bệnh nhi, tại vị trí bé bị nạn có chiếc ôtô đồ chơi xuất xứ Trung Quốc và bộ phận điều khiển vẫn còn nguyên nhưng cục pin của chiếc điều khiển đã nổ vỡ một góc.

Hiện nay, trên thị trường, đặc biệt là ‘chợ mạng’, ‘chợ trời’ tràn lan các loại thiết bị điện tử, đồ chơi trẻ em với giá rẻ từ vài chục nghìn tới vài trăm nghìn đồng, chạy bằng pin điện tử. Với giá rẻ, mẫu mã đa dạng, tích hợp nhiều tính năng,… Đây cũng là lý do những mặt hàng này ngày càng được ưa chuộng.

Không chỉ tràn ngập chợ mạng, chợ trời, tại các vùng quê hiện nay cũng trôi nổi đủ loại đồ chơi giá rẻ, không rõ nguồn gốc.

Phụ huynh chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn, trẻ con có thể thỏa thích chơi các đủ loại ô tô đồ chơi, xe tăng, xe tải, robot,… chạy bằng pin, hay nghịch những con cá điện đủ màu sắc giá 40.000 đồng.

Đồ chơi rẻ tiền, không rõ nguồn gốc 'phủ sóng' khắp nơi. Ảnh Minh Khuê 

Với người lớn, chỉ cần bỏ ra 300.000 – 500.000 đồng có thể sắm chiếc micro tích hợp đa năng, thiết kế lại nhỏ gọn, không dây nối. Có thể sử dụng trong nhiều trường hợp ngoài hát karaoke như đi dã ngoại, trợ giảng, hát tại nhà mà không mệt sức chạy ra các quán karaoke…

Chưa tan hội, rác thải đã tràn ngập hội Lim(VietQ.vn) - Hòa cùng dòng người đổ về trẩy hội Lim đó là những bãi rác thải nham nhở khắp lối đi. Thậm chí các nơi tổ chức trò chơi cũng là địa điểm để xả rác.

Lưu ý khi sử dụng thiết bị, đồ chơi điện tử

Việc chiếc micro phát nổ khi đang sạc, đồ chơi, thiết bị điện tử phát nổ gây thương tích nặng trước đây, nguyên nhân đều được xác định là do pin. Với những thiết bị rẻ tiền, không rõ nguồn gốc nguy cơ pin phát nổ là rất cao.

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học (Đại học Bách Khoa TP HCM) cho biết, tất cả các pin đều có thể nổ nếu không dùng đúng cách. Khi sử dụng pin không đúng cách như: đấu pin sai cực, dùng quá công suất của pin hoặc dùng pin trôi nổi không rõ nguồn gốc, chất lượng… dễ dẫn đến nguy cơ pin phát nổ.

Cũng theo Tiến sĩ Duy, Pin trôi nổi thì thành phần nguyên liệu không rõ ràng, không tinh khiết và không qua kiểm định, đánh giá chất lượng, lẫn tạp chất nên không an toàn, nguy cơ phát nổ cao hơn so với pin chính hãng.

Theo các chuyên gia công nghệ người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm có nhãn mác, thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, nơi bán uy tín sẽ giảm bớt nguy cơ cháy nổ hoặc các tai nạn khác.

Ngoài ra, nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thiết bị, để chúng xa các nơi có nguồn nhiệt cao, tránh va đập mạnh... và nếu có dấu hiệu hư hỏng, tốt nhất là nên loại bỏ.

Ngoài ra, người dùng không nên sạc các thiết bị điện tử quá lâu, sạc qua đêm đề phòng thiết bị phát nổ; không sạc thiết bị khi không có người ở nhà do khi sạc quá lâu thiết bị có nguy cơ phát nổ rất cao,…

Minh Khuê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang