Hiến kế chọn Hội đồng khoa học khách quan, công tâm

author 11:16 05/11/2014

(VietQ.vn) - Để chọn Hội đồng khoa học công tâm, khách quan, theo GS Trần Văn Sung, cần có phản biện kín và phản biện công khai.

GS Trần Văn Sung từng là Viện trưởng viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ông là nhà khoa học vừa am hiểu khoa học cơ bản, vừa am hiểu khoa học ứng dụng. Ông đã có nhiều bài báo quốc tế, có bằng sáng chế (patent) ở nước ngoài và có sản phẩm được thương mại hóa rộng rãi (tỏi Tuệ Linh).

Ông từng đề xuất Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các nhà khoa học Việt Nam đăng ký bảo hộ sáng chế và cung cấp sách chuyên khảo. Những điều này đã được quy định tại các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật KH&CN vừa ban hành.

Ông bảo: "Nhà báo có biết không, điều mà các nhà khoa học sợ nhất là các thủ tục thanh quyết toán tài chính, dù họ làm nghiên cứu rất trong sáng. Mỗi khi kiểm tra là bên kiểm toán cứ coi nhà khoa học như tội phạm...".

Nhưng khi chúng tôi thông báo qua về cơ chế khoán trong Nghị định cơ chế tài chính trong khoa học vừa được Chính phủ ban hành thì ông ngạc nhiên, mừng rỡ nói: "Ồ, thế à, tốt quá".

Ông cũng đã đề xuất để các cơ quan chức năng lựa chọn Hội đồng khoa học xứng đáng, khách quan, công tâm hơn nữa.

Theo GS Trần Văn Sung, cần công khai danh tính và đánh giá của Hội đồng nghiệm thu

Theo GS Trần Văn Sung, cần công khai danh tính và đánh giá của Hội đồng nghiệm thu

- Thưa GS Trần Văn Sung, ông có đánh giá gì khi sắp tới, việc lựa chọn danh sách các Hội đồng khoa học sẽ căn cứ trên danh sách các chuyên gia của Bộ KH&CN lập ra. Theo đó, các chuyên gia này phải có bài báo quốc tế hoặc sáng chế, hoặc có chuyên môn tốt?

- Quan điểm của tôi là đánh giá bài báo đăng ISI cũng phải chừng mực. Cũng có những trường hợp người Việt Nam xin ngân sách của Việt Nam để cho người nước ngoài nghiên cứu và đứng tên chung trong bài báo ISI. Mặt khác, ISI cũng phù hợp với khoa học cơ bản hơn; còn về khoa học công nghệ phải cần những người hiểu biết về thực tế.

Tiêu chí có bằng sáng chế là được.

- Theo GS, việc chọn Hội đồng như nào mới đảm bảo khách quan, công tâm?

- Nếu danh sách các chuyên gia đã ổn thì vấn đề là "ai chọn hội đồng". Người đó cũng phải khách quan, công tâm. Nên cho một cán bộ quản lý chọn Chủ tịch Hội đồng, rồi tham vấn Chủ tịch chọn ra những người khác.

Làm sao trong Hội đồng có Chủ tịch và 2 ủy viên phản biện là chuyên gia thực sự trong lĩnh vực này. 

Hội đồng khoa học không thể có những người ú ớ về chuyên môn.

- Danh tính và nhận xét của Hội đồng nên giấu kín hay công khai?

- Ở các nước phương Tây, hội đồng xét duyệt luôn được dấu kín. Những người nộp đề cương đề tài không biết ai sẽ đánh giá/ xét duyệt. Nhân viên của Nhà nước sẽ gửi hồ sơ đề tài, giấu tên, cho các chuyên gia để xin ý kiến.

- Còn Hội đồng đánh giá - nghiệm thu?

- Nên công khai danh tính và đánh giá của Hội đồng đánh giá - nghiệm thu. Vì trong hội đồng "đầu ra" chỉ có vài chuyên gia, nên phải công khai cho các chuyên gia và người dân được biết.

Cũng phải công khai sản phẩm khoa học làm ra là gì. Nhưng không nên công khai quy trình làm ra sản phẩm đó.

- Như vậy, trách nhiệm của các Hội đồng là khá lớn. Có ý kiến cho rằng, cần tăng quyền lợi cho các Hội đồng, để họ được khuyến khích trong công việc, không bị "cám dỗ" vật chất và độc lập với bên làm đề tài khoa học?

- Cũng nên xem xét tăng quyền lợi. Nhưng cần hài hòa và phải có "mức trần". Nếu không sẽ kéo theo tiêu cực là nhiều người muốn ngồi vào ghế Hội đồng để hưởng các quyền lợi đó.

Được mời vào Hội đồng không phải là mục đích mà chỉ là hệ quả của những người làm nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Xin cảm ơn GS !

Hoàng Tuân 

(thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang