Công nghệ và thiết bị của phòng thí nghiệm trọng điểm Việt Nam vẫn lạc hậu

author 18:26 25/10/2014

(VietQ.vn) - Hiện nay, nước ta đang có 17 phòng thí nghiệm trọng điểm được đầu tư phục vụ các hoạt động thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán. Tuy nhiên, thiết bị tại các phòng thí nghiệm vẫn chưa đồng bộ, phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngày 22/10, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã tổ chức Tọa đàm về Công nghệ Thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học của Việt Nam. Buổi Tọa đàm cho thấy hiện trạng công nghệ và thiết bị của các phòng thí nghiệm trọng điểm, đồng thời nêu một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm này.

 

 

công nghệ và thiết bị của phòng thí nghiệm trọng điểm Việt Nam vẫn lạc hậu

Bà Lê Thị Khánh Vân phát biểu tại Tọa đàm về Công nghệ Thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học của Việt Nam. Ảnh HG

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, chất lượng của công tác phân tích, chẩn đoán có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cũng như đối với công tác kiểm tra, kiểm soát, giám định chất lượng, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, công tác phân tích phục vụ chăm sóc sức khỏe con người.

Thị trường Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu, do đó cũng phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn của quá trình toàn cầu hóa. Vấn đề quản lý chất lượng thực phẩm, dược phẩm, xử lý nước thải... hiện là những mối quan tâm chính của quốc gia.

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghê quốc gia cho biết: "Hiện nay, hầu hết các những công nghệ và thiết bị thí nghiệm phục vụ cho phân tích, chẩn đoán, nghiên cứu công nghệ sinh học có trình độ, độ chính xác và tin cậy cao đều chưa sản xuất được trong nước. Đa số các thiết bị này đều phải nhập khẩu. Những năm qua, mặc dù có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đối với công tác phân tích, chẩn đoán và công nghệ sinh học, nhưng các công nghệ, thiết bị sử dụng trong lĩnh vực này vẫn còn lạc hậu, không đồng bộ, độ chính xác chưa cao".

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Trọng Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tổng hợp, Bộ KH - CN đã nêu hiện trạng công nghệ và thiết bị của các phòng thí nghiệm trọng điểm ở Việt Nam. Theo đó, nhằm tăng cường một bước cơ bản cơ sở vật chất kỹ thuật cho KHCN, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo và đưa nhanh các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 850/QĐ - TTG ngày 7/9/2000 xây dựng 17 phòng thí nghiệm trọng điểm tại Việt Nam.

Hiện nay, 16/17 phòng thí nghiệm trọng điểm đã hoàn thành và đi vào hoạt động, bao gồm: 5 phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, 2 phòng thí nghiệm lĩnh vực công nghệ thông tin, 3 phòng thí nghiệm lĩnh vực công nghệ vật liệu, 2 phòng thí nghiệm cơ khí tự động hóa, 1 phòng thí nghiệm hóa dầu, 1 phòng thí nghiệm năng lượng và 2 phòng thí nghiệm cơ sở hạ tầng.

Số vốn đầu tư xây dựng 17 phòng thí nghiệm trọng điểm tại Việt Nam là 966,745 tỷ VNĐ, mỗi phòng tương ứng với số tiền đầu tư là 60 tỷ đồng. Các phòng thí nghiệm hiện nay đã thu hút 726 nhà khoa học trong nước đến nghiên cứu và làm việc.

Ông Bình cho biết thêm: Mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư, tuy nhiên các phòng thí nghiệm trọng điểm vẫn tồn tại một số vấn đề vướng mắc. Thứ nhất, một số trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm bị xuống cấp, lạc hậu so với khu vực, đặc biệt là các thiết bị công nghệ thông tin. Thứ hai, tổ chức bộ máy chưa thống nhất. Thứ ba, nhân lực khoa học công nghệ làm việc tại các phòng thí nghiệm trọng điểm chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế "mở" chưa được phát huy tối đa. Cuối cùng, vai trò của các bộ ngành có liên quan trong việc chỉ đạo, định hướng hoạt động, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế này, cần tạo cơ hội cho các tổ chức KHCN Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ phân tích, kiểm định, chẩn đoán, các hiệp hội, ngành nghề có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu thông tin về những công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

Bên cạnh đó, cần tạo môi trường giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế với những đối tác nước ngoài, nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ phân tích, chẩn đoán nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học và bảo vệ sức khỏe con người.

Hương Giang

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang