Khoa học lý giải hiện tượng bóng đè khi ngủ

author 10:28 17/01/2015

(VietQ.vn) - Hiện tượng bóng đè thường xảy ra khi đang ngủ, lúc này tuy đầu óc đã tỉnh giấc nhưng vẫn không thể cử động chân tay gây ra cảm giác sợ hãi và hoảng loạn.

Theo tin tức trên tờ Live Science, hiện tượng bóng đè là khi không thể cử động chân tay khi đang ngủ cho dù đã tỉnh lại. Khoảng 40% người trên thế giới từng trải qua tình trạng tê liệt trong giấc ngủ, trong đó có những trường hợp cảm nhận ảo giác như có người xâm nhập vào phòng, lơ lửng phía trên họ.

Tuy nhiên, thực chất là một dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn (không có tổn thương thực thể), nguyên nhân chủ yếu là căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức ép từ công việc. Những yếu tố tâm lý này kích thích lên vỏ não, gây ra hiện tượng bóng đè. bên cạnh đó, bóng đè cũng là dấu hiệu của một số bệnh tim mạch, nhưng những trường hợp này chiếm rất ít. 

Ngoài những người có bệnh lý ở hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh không tốt, người đã hoạt động gắng sức trong ngày, bị stress hoặc có tư thế nằm không phù hợp… cũng có thể bị bóng đè. Có những trường hợp bị bóng đè gây ngạt thở là do mùi sơn, mùi đồ đạc hoặc mùi nấm mốc gây ra. 

Hiện tượng bóng đè thường xảy ra khi con người bị stress hoặc mắc các bệnh về tim mạch

Hiện tượng bóng đè thường xảy ra khi con người bị stress hoặc mắc các bệnh về tim mạch. Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu phân tích, hiện tượng bóng đè xảy ra trong giai đoạn “mắt chuyển động cao độ” (REM) vào khoảng 60-90 phút sau khi bắt đầu giấc ngủ, lúc này người đang ngủ vẫn có thể mơ nhưng không thể cử động chân tay đồng thời tỉnh giấc đột ngột khỏi giấc ngủ. Đây là sự thích nghi tiến hóa giúp con người kiểm soát bản thân trước những giấc mơ của chính mình.

Cơ thể không cử động được khi gặp phải hiện tượng bóng đè là do các chất dẫn truyền thần kinh GABA và Glycine.  Ở giai đoạn REM, cơ thể sản sinh ra lượng lớn các chất dẫn truyền thần kinh GABA và Glycine, tác động lên các thụ thể (receptor) tương ứng trên hệ thần kinh trung ương, ức chế các xung thần kinh dẫn truyền đến cơ, khiến cơ thể bị tê liệt khi đang ngủ.

Cơ thể không thể cử động được khi hiện tượng bóng đè xảy ra

Cơ thể không thể cử động được khi hiện tượng bóng đè xảy ra. Ảnh minh họa

Những người cảm thấy dường như ai đó ở trong phòng, hoặc đè nặng lên ngực của họ đều do ảo giác. Một lý giải có thể có là lúc này, ảo giác là cách bộ não tìm cách dọn sạch sự xáo trộn khi có sự can thiệp vào vùng chứa "bản đồ" thần kinh của cơ thể hoặc chính nó.

Cách tốt nhất để không gặp phải hiện tượng bóng đè là xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tham gia các hoạt động giải trí... Ngoài ra, có thể trau dồi kiến thức để tăng khả năng thích nghi với cuộc sống, giảm đi các áp lực trong công việc. Thêm vào đó, người bị bóng đè nên thay đổi tư thế nằm ngủ thật thoải mái: nằm nghiêng phải, chân hơi co, tay duỗi, làm cho toàn bộ cơ bắp chùng giãn, đầu không vẹo lệch. Ngoài ra, khi ngủ nên mặc quần áo rộng rãi để tránh gò bó cơ thể, phòng ngủ cần thoáng khí.

Đinh Ly (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang