Hiệp định CPTPP: Giữ gìn chữ tín và xây dựng thương hiệu nông sản Việt

author 14:47 02/07/2019

(VietQ.vn) - Nhận diện rõ cơ hội và thách thức của nông sản Việt trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.

CPTPP- Cơ hội lớn cho nông sản Việt

Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta. Tại hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” diễn ra ngày 2/7/2019 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao về số lượng trên thị trường thế giới.

Có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn

Nhấn mạnh Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay, và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức mà các FTA mang lại là vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần sẵn sàng chuẩn bị càng sớm càng tốt.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Để triển khai và sớm đưa Hiệp định CPTPP đi vào cuộc sống, chỉ 10 ngày sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.

Đi sâu vào chi tiết, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, việc tham gia sâu vào các Hiệp định Thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội tăng xuất khẩu.

Theo bà Lê Việt Nga, để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 2 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh. Thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương đã đồng hành các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức các “Tuần hàng nông sản”, hỗ trợ nông sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu; đồng thời góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các địa phương…

Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DN trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP 

Xây dựng thương hiệu nông sản Việt và giữ gìn chữ tín

Bà Lê Việt Nga cho rằng, mặc dù có nhiều nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở việc tăng sức ép đáng kể đến sức cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.

Là thị trường nhập khẩu khá lớn hàng nông sản Việt Nam, ông Hong Sun- Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN cho rằng, mặc dù Việt Nam là nơi có ngành nông lâm thủy sản phát triển rất mạnh, nhưng việc tìm một đối tác phù hợp vô cùng khó khăn. Thường các doanh nghiệp Hàn Quốc phải mất từ 5-6 năm mới có thể tìm được một đối tác phù hợp. Bởi đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, các đối tác cũng rất khó do phần lớn doanh nghiệp chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, mặc dù có rất nhiều nông sản nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nông sản mạnh trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn, chuối Việt Nam ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng Hàn Quốc vẫn không tin tưởng vì không có thương hiệu nông sản Việt Nam.

Một vấn đề nữa là khâu bảo quản sau thu hoạch. Chúng tôi hy vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để cho ra đời những sản phẩm tươi, bảo quan được lâu dài hơn. Thanh long Việt Nam rất ngon nhưng lại không bảo quản được lâu.

 
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
 

Mặt khác, Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, công bằng với tất cả các nhà đầu tư. Và quan trọng nhất là phải giữ được uy tín khi hợp tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài- ông Hong Sun- Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các chủ trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang