Hiệp định CPTPP không phải chỉ có “màu hồng” với Việt Nam?

authorNgọc Xen 15:33 12/01/2019

(VietQ.vn) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định Hiệp định CPTPP không phải chỉ có “màu hồng” với Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

PV:  Thưa ông, khi Hiệp định thương mại CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, những thuận lợi cũng như thách thức mà doanh nghiệp Việt gặp phải trong thời gian tới là gì?

Thực tế cho thấy, Hiệp định CPTPP mở ra hàng loạt cơ hội lớn để phát triển. Tôi tin rằng năm nay, cũng như các năm sau Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều những lợi ích từ hiệp định này.

Tuy nhiên, chúng ta vận dụng được cơ hội đó bao nhiêu còn tùy thuộc vào Chính phủ cũng như tất cả các thành phần kinh tế. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng trong việc thấu hiểu để đáp ứng được những quy định của CPTPP.

Với Việt Nam, Hiệp định CPTPP không phải chỉ có “màu hồng”. Dĩ nhiên, CPTPP sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho chúng ta, sẽ làm tăng tính cạnh tranh của Việt Nam đối với các thành viên khác trong CPTPP và trên toàn thế giới.

Thế nhưng, bên cạnh những cơ hội thì chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều những điều mang tính cạnh tranh, cũng có thể gọi là ‘bất lợi’ cho Việt Nam. Một trong những điều bất lợi nhất đó là hàng hóa trong khối CPTPP sẽ đổ vào Việt Nam với thuế xuất nhập khẩu ưu đãi thấp, nhiều mặt hàng thuế nhập khẩu bằng 0%. Có nghĩa rằng hàng hóa nước ngoài trong CPTPP sẽ tràn vào Việt Nam với lợi thế cạnh tranh rất lớn, có thể sẽ đẩy lùi một số những mặt hàng sản xuất nội địa ngay trong lãnh thổ Việt Nam. Thậm chí, có thể đưa một số doanh nghiệp dẫn đến tình trạng ‘khủng hoảng'.

PVThưa ông, theo một số khảo sát gần đây, dường như doanh nghiệp Việt vẫn chưa năm bắt được rõ thông tin về Hiệp định thương mại CPTPP. Vậy ông đánh giá ra sao về vấn đề trên?

Theo tôi, nhận định đó là hoàn toàn chính xác. Tôi nhận thấy có lẽ việc nắm bắt thông tin cũng như chuẩn bị của doanh nghiệp trước thềm CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam còn rất ‘thiếu xót’.

Hàng ngày làm việc tại ngân hàng, tiếp xúc với các doanh nghiệp, rất nhiều lần tôi đã hỏi các doanh nghiệp rằng họ hiểu thế nào về CPTPP? Phần đông đều nói họ nhận thức được những thuận lợi của CPTPP và cũng hiểu rằng đây là một hiệp định thương mại ở mức có lẽ là cao nhất hiện tại. Nó bắt buộc chúng ta phải có sự cải tổ để đáp ứng các điều kiện cũng như tận dụng lợi thế của CPTPP. Tuy nhiên, nếu tôi hỏi thêm doanh nghiệp về việc họ cần phải làm thế nào để mà đáp ứng với các quy định của CPTPP, thì hầu như doanh nghiệp cho biết “đang có kế hoạch” nhưng cụ thể thì chưa rõ (!?)

Do vậy, theo tôi, các doanh nghiệp cần phải thấu hiểu những quy định của CPTPP liên quan đến ngành nghề của mình như các lĩnh vực: may mặc, dược phẩm, thực phẩm, xây dựng, công nghệ thông tin… Hơn nữa, một trong những quy định rất quan trọng của CPTPP là vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các vấn đề copy, gian lận những sản phẩm trí tuệ là điều trong tương lai CPTPP sẽ bắt buộc chúng ta phải xem xét.

Đặc biệt, việc dịch thuật hiệp định CPTPP sang tiếng việt cần chính xác tuyệt đối, bởi nếu như dịch không chính xác sẽ dẫn đến việc chúng ta nhầm lẫn việc áp dụng những quy định của CPTPP. Bên cạnh đó, cần phải có những chương trình để hướng dẫn doanh nghiệp từng ngành nghề, cần tổ chức các hội thảo để cho tất cả doanh nghiệp, lãnh đạo của doanh nghiệp nắm bắt được những quy định cũng như lợi thế và thách thức mà CPTPP mang lại.

Xin cảm ơn ông với những chia sẻ hết sức thiết thực!

CPTPP chính thức có hiệu lực: DN có thể 'trượt chân' trên sân nhà nếu không cải thiện mình!(VietQ.vn) - CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi cùng 10 nền kinh tế. Sân chơi này mở ra cơ hội song cũng còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp có thể "trượt chân" trên chính sân nhà nếu không nỗ lực cải thiện mình.

Ngọc Xen

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang