Hiệp định CPTPP tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - châu Mỹ

author 09:14 01/03/2019

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Hiệp định CPTPP là bước ngoặt quan trọng tạo xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ.

Tại Chương trình Gặp gỡ các đối tác khu vực châu Mỹ năm 2019 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong năm 2018, cũng như cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng các đối tác Khu vực châu Mỹ. 

Trong những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ không ngừng được mở rộng và phát triển. Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với 35 quốc gia trong khu vực. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng khoảng 4,5 lần từ 17,2 tỷ USD năm 2008 lên 78,35 tỷ USD năm 2018. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt hơn 58,03 tỷ USD, nhập khẩu đạt 20,32 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến hết năm 2018, 24 quốc gia châu Mỹ đang có đầu tư tại Việt Nam với 1.180 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15,5 tỷ USD.

 Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao tầm quan trọng của việc ký kết các hiệp định và thỏa thuận thương mại với một số quốc gia châu Mỹ, trong đó phải kể tới Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2000, Hiệp định thương mại tự do với Chi-lê năm 2011; Hiệp định thương mại với Cu-ba ngày 9/11/2018 và hiện đang trao đổi khả năng đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Đặc biệt, Hiệp định CPTPP với 11 thành viên trong đó có Canada, Chile, Mexico, Peru và Việt Nam được ký kết năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 sẽ là bước ngoặt quan trọng, tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng phân tích một số những khó khăn còn tồn tại mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác châu Mỹ đang phải đối mặt như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, việc thiếu thông tin cập nhật về các chính sách, môi trường kinh doanh...

Ngoài ra cũng phải kể đến một số yếu tố khách quan đã và đang gây ra những tác động đa chiều tới trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong đó có thị trường châu Mỹ, như diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu và xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tại một số thị trường.

Thay mặt các đoàn ngoại giao Khu vực châu Mỹ tại Việt Nam, Đại sứ Venezuela - Ngài Jorge Rondón Uzcategui bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi nhận thấy mối quan hệ chính trị, kinh tế - thương mại và văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ gặt hái được thành tựu đáng kể trong những năm qua. 

Ngài Jorge Rondón Uzcategui nhấn mạnh việc Việt Nam không chỉ xuất khẩu nhiều loại hàng hóa với giá trị cao sang châu Mỹ mà còn tham gia đầu tư và triển khai có hiệu quả nhiều dự án quan trọng tại khu vực, mà đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Peru, Venezuela, Cuba và Haiti, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, dầu khí, du lịch và nông nghiệp.

Xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI 'vốn mỏng nhưng tay không bắt giặc'(VietQ.vn) - Chiều 28/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc tại Bộ Tài chính về thực trạng tài chính của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), chính sách ưu đãi thuế, tài chính với khối doanh nghiệp này hiện nay.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang