Hiệp định EVFTA có hiệu lực: Cơ hội ‘hút’ vốn đầu tư nước ngoài

author 06:57 10/06/2020

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, vốn đầu tư nước ngoài sẽ “chảy mạnh” vào Việt Nam ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được Quốc hội thông qua.

Mới đây, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ thực thi từ 1/8/2020. Kể từ ngày đầu tiên hiệp định có hiệu lực, mức thuế suất sẽ về 0% đối với 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang EU giảm về mức 0% trong lộ trình 7 năm tiếp theo. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo ước tính của World Bank, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030, đồng thời thêm khoảng 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào việc thực thi đến đâu và quá trình cải cách của Việt Nam ra sao.

  Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU sẽ là cơ hội để Việt Nam hút FDI

Để thu hút FDI có chất lượng từ EU, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho rằng, chính sách thu hút FDI cần có sức hút mang tính toàn diện, không chỉ là những ưu đãi cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư. Điều quan trọng là tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hấp đẫn, có sự minh bạch trong thủ tục hành chính, thực thi chính sách cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp hoạt động hiệu quả. Nếu không có những yếu tố này thì sẽ khó thu hút FDI từ EU chất lượng cao.

Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, EVFTA sẽ là "chất xúc tác" để Việt Nam cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó thu hút được nhiều hơn vốn FDI. Với EVFTA, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ không chỉ tận dụng được thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, mà còn vươn tới thị trường ASEAN cũng như thị trường rộng lớn của các quốc gia thành viên FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Dù hiệp định này mở ra nhiều cơ hội, song theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA giống như “đường cao tốc - hội nhập” và khi Quốc hội bấm nút phê chuẩn hiệp định, nền kinh tế phải được vận hành trơn tru để có thể tham gia hiệu quả trên “tuyến đường” này. Do đó, “việc cấp thiết là phải sớm có những văn bản pháp luật, nghị định, thông tư luật hóa các cam kết, hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết".

Chủ tịch VCCI cho rằng, việc cắt giảm các thủ tục hành chính phiền hà, cải thiện môi trường kinh doanh cần quyết liệt hơn nữa để có thể vươn tới chuẩn mực hàng đầu trong ASEAN và quốc tế. Trước các sức ép nguy cơ bị khiếu kiện đầu tư quốc tế, các cấp quản lý Nhà nước phải bảo đảm thực thi một cách chuẩn mực các nghĩa vụ về mở cửa, ứng xử, bảo hộ cho các nhà đầu tư theo hiệp định.

Đồng thời, Chính phủ cần nhanh chóng có các chính sách cần thiết song không trái cam kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa gia tăng sức cạnh tranh, đủ lớn mạnh để hợp tác với đối thủ mạnh từ EU. Ngoài ra, các nhà làm chính sách cần phải có dự kiến xa hơn, chiến lược lớn hơn về tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, dân cư… ứng phó với những thay đổi không mong muốn từ EVFTA cũng như từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

“Điểm cuối cùng, để vận hành có hiệu quả trong EVFTA, CPTPP và các hiệp định tự do thế hệ mới đồng thời đón nhận làn sóng FDI với chất lượng cao không “vơ bèo vạt tép” thì các việc làm này cần phải được tăng tốc nhanh hơn", ông Lộc nói.

Về tình hình thu hút FDI 5 tháng đầu năm, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, FDI tính đến ngày 20/5/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 37%, các ngành còn lại đạt 685,3 triệu USD, chiếm 9,2%. Hiện, Singapore vẫn là nhà đầu tư lớn nhất, với 4.318 triệu USD, chiếm 58% tổng vốn đăng ký cấp mới; Đài Loan 743,2 triệu USD, chiếm 10%; Trung Quốc 694,9 triệu USD, chiếm 9,3%...

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang