Hiệp định EVFTA: ‘Cửa’ EU đã mở nhưng nông sản Việt cần đạt chuẩn chất lượng

author 07:05 26/05/2020

(VietQ.vn) - Nếu như coi EVFTA như một “tấm vé” bước vào thị trường EU đầy tiềm năng thì việc đạt chuẩn chất lượng sản phẩm chính là “bộ rễ” giúp nông sản Việt đứng vững.

EVFTA – “tấm vé” bước vào EU

Theo kế hoạch, chỉ còn 2 ngày nữa (tức ngày 28/5/2020), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ được bỏ phiếu thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ tháng 7, tạo ra xung lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Đồng thời, trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế do Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, EVFTA được đưa vào thực thi dự báo sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế nước ta. Trong đó, nông nghiệp được xem là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất.

 
EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, sau gần 20 năm, từ năm 2000 đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã tăng từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD, gấp 14,8 lần.
 

Cụ thể, trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều nông sản có lợi thế. Như chúng ta đã biết, Việt Nam có năng lực xuất khẩu mạnh mẽ vào châu Âu ở nhóm hàng thủy sản, trái cây (cả tươi lẫn chế biến). Là thị trường trọng điểm thứ 2 của xuất khẩu nông sản Việt Nam, EU có đến 27 quốc gia thành viên, trong đó chúng ta đã đưa nông sản đến 17 nước.

Khi EVFTA được phê chuẩn, đã có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ, trong đó gồm nhiều sản phẩm truyền thống, ví dụ như nước mắm Phú Quốc. Điều này nâng tầm cho nông sản Việt bằng tính truyền thống, đặc thù, đặc sản. Sau lộ trình thuế quan, gần 100% sản phẩm Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế, đây là mức cam kết lớn nhất mà một đối tác đưa ra cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký kết.

Cùng với đó, một cơ hội khác mà EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

Chuẩn chất lượng – “bộ rễ” giúp nông sản Việt đứng vững

Cơ hội đã rõ, tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội này không phải chuyện dễ dàng. Khi triển khai EVFTA, ở khía cạnh nông nghiệp, tinh thần của Bộ trưởng NN-PTNT là chủ động nhưng không chủ quan. Không được xem ưu đãi về thuế quan là “màu hồng” vì đó chỉ là những thuận lợi trước mắt.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT cho biết, cửa đã mở nhưng để có thể thông hành, hàng nông sản của ta còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Việc đạt chuẩn chất lượng sản phẩm chính là “bộ rễ” giúp nông sản Việt đứng vững trước thị trường EU với tiêu chuẩn khắt khe.

Đơn cử như theo các cam kết kèm theo, yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ rất chặt chẽthông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN.

Đồng thời, EU cũng đang áp dụng phương thức kiểm tra giá trị gia tăng, cơ chế này xuất phát từ việc phát hiện nhiều lô hàng không phù hợp với quy định của EU (như nhiễm vi khuẩn, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật). Đây là cơ chế EU áp dụng chung cho tất cả các đối tác thương mại. EU đã phối hợp tiến hành kiểm tra và kết quả cho thấy hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam đối với các sản phẩm rau gia vị xuất khẩu sang EU còn hạn chế.

Hay đối với câu chuyện về sở hữu trí tuệ, vấn đề chính mà nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt là việc ý thức về quyền sở hữu trí tuệ từ nông dân, doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng còn ở mức thấp, chưa chú trọng vào xây dựng và quảng bá thương hiệu, các nông sản Việt Nam chưa được bảo hộ nhiều về chỉ dẫn địa lý, một mặt giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mặt khác không tạo được môi trường kinh doanh hấp dẫn, thu hút đầu tư.

Do đó, nông dân cùng doanh nghiệp Việt phải tăng năng suất và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, bằng các hành động thiết thực, cụ thể như cải tạo và phát triển các loại giống tốt có nhiều ưu điểm và năng suất, chất lượng cao, áp dụng các quy trình gây giống, nuôi trồng tiến bộ, hiệu quả, tổ chức các hoạt động sản xuất một cách có tổ chức, quy hoạch cụ thể, hiện đại. Đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, phải chịu sức ép cạnh tranh từ thị trường quốc tế, hoạt động sản xuất cần phải được tổ chức lại một cách chuyên nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn hơn nữa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, bộ, ngành cũng cần xây dựng một chiến lược tiếp cận thị trường, trong đó đã có những nghiên cứu về thị trường tiếp cận, nhận định được những tiềm năng cũng như đánh giá được sức cạnh tranh của từng loại nông sản, tận dụng các thế mạnh của Việt Nam làm tiền đề để các doanh nghiệp tiến vào thị trường EU, khai thác mọi tiềm năng của thị trường này.

Người tiêu dùng nghi ngờ nguồn gốc dâu tây Mộc Châu bán tại BigC Thăng Long (VietQ.vn) - Dâu tây bán tại BigC Thăng Long được dán nhãn Dâu tây Mộc Châu có giá 96.000đ/hộp 250gr, tương đương 384.000đ/kg, điều đáng nói, nguồn gốc loại trái cây này có thực sự đến từ Mộc Châu?

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang