Hiệp định EVFTA mang đến triển vọng lớn cho thủy sản Việt xuất khẩu sang EU

author 14:34 11/09/2020

(VietQ.vn) - Sau hơn 1 tháng Hiệp định EVFTA được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản sang EU có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020.

Xuất khẩu thủy sản sang EU tăng trưởng mạnh

Theo các chuyên gia, EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU, nhất là hàng hóa nông sản. Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản. Còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Điều đó cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu là vô cùng lớn.

 EVFTA mang đến triển vọng lớn cho thủy sản Việt xuất khẩu sang EU

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU.

Với mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…

Với việc EVFTA được thực thi, doanh nghiệp thủy sản đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU. Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Triển vọng xuất khẩu lớn cho con tôm Việt

Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang châu Âu và Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu 1/8/2020 đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm 2020.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU có mức thuế hiện nay là 12% đến 20% sẽ về 0% ngay như tôm sú đông lạnh. Sau 5 đến 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%.

Nhận định về xu hướng thị trường tôm tại châu Âu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu châu Âu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân châu Âu. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh trong khi nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi ít hơn trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền, sản phẩm đóng gói tăng.

 
Dự kiến, xuất khẩu tôm sang EU tháng 8 năm nay có thể tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.
 

Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà xuất khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.

Theo các chuyên gia, hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu ASC và diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam đã và đang được nhân rộng, hiện đã đạt 65% diện tích nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường EU. Chứng chỉ ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

Điển hình là Thông Thuận Group có hai nhà máy chế biến xuất khẩu tôm. Một nhà máy đặt tại khu công nghiệp Thành Hải tỉnh Ninh Thuận và một nhà máy đặt tại khu công nghiệp Suối Dầu tỉnh Khánh Hòa. Doanh số xuất khẩu của hai nhà máy hàng năm đạt 100-120 triệu USD; với cơ cấu thị trường: Nhật Bản chiếm 35%; châu Âu chiếm 45%; Mỹ chiếm từ 10-15%, còn lại các thị trường khác.

Quy trình sản xuất của công ty Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Toàn bộ các Xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như BRC, Global GAP, ASC, BAP… Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Thông Thuận Group đáp ứng đầy đủ về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất khắt khe của quốc tế. Dự kiến trong năm 2020 doanh số xuất khẩu vào EU của Thông Thuận group đạt khoảng 45tr USD.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, để thúc đẩy XK thủy sản vào thị trường EU, việc quan trọng còn là Việt Nam phải cấp bách gỡ "thẻ vàng" chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Mặt khác, hiện EU đã cấm sử dụng chất chống ô xi hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định, EU không cho phép nhập khẩu nhằm tránh việc nhiễm và lây lan sâu bệnh hại cho thực vật và sản phẩm thực vật.

Bên cạnh đó, những năm gần đây người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp thủy sản phải thực hiện nghiêm túc với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía cơ quan chức năng.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang