Hiệp định TFA cần được thực hiện 'chất' hơn trong năm 2019

author 06:27 21/02/2019

(VietQ.vn) - Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, năm 2019, sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực thi các cam kết tại Hiệp định TFA để đáp ứng yêu cầu thực thi cam kết của Hiệp định một cách thực chất hơn...

Bộ Tài chính vừa công bố kết quả triển khai công tác tạo thuận lợi thương mại và thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2018, tại phiên họp lần thứ 4 về kiểm điểm kết quả triển khai nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Theo đó, năm 2018, Bộ Tài chính đã tiến hành theo dõi và triển khai các cam kết nhóm A theo Hiệp định (15 cam kết nhóm A - cam kết thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực). Trong đó, xây dựng cổng thông tin thương mại quốc gia cung cấp các thông tin liên quan tới quy định pháp lý và thủ tục hiện hành về thương mại, các văn bản pháp quy, thủ tục hành chính, hướng dẫn, biểu mẫu, giấy phép và mức phí áp dụng...

Triển khai một số cam kết nhóm B, C đã có quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành (các cam kết đã được thực hiện song song với tiến trình cải cách thủ tục hải quan của Việt Nam), cụ thể gồm: Xác định trước, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xử lý trước khi hàng đến, thanh toán điện tử; Tách việc giải phóng hàng với quyết định cuối cùng về thuế, phí, lệ phí; Miễn thuế đối với hàng hóa tạm quản, hàng hóa sử dụng để gia công trong nước hoặc nước ngoài, đại lý hải quan...

Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung việc triển khai thực hiện Hiệp định được thực hiện theo đúng nhiệm vụ và tiến độ được giao. Thực chất các cam kết theo Hiệp định TFA là những cam kết về mặt kỹ thuật nhằm đơn giản và hài hòa hóa quy trình thủ tục liên quan đến quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Hầu hết các biện pháp này đã được quy định trong pháp luật Việt Nam, đồng thời đã và đang được triển khai song song với quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong số các nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá là đã áp dụng những chuẩn mực quốc tế về quản lý hải quan theo kịp với các nước phát triển trong khu vực, đặc biệt là việc thực hiện Chiến lược cải cách hiện đại hóa đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Thứ trưởng cũng đưa ra những tồn tại, hạn chế, đó là vai trò đầu mối phối hợp, kết nối và huy động sự tham gia của Bộ, ngành liên quan trong thực hiện Hiệp định chưa thực sự phát huy hết khả năng; Chưa có sự đánh giá, rà soát chi tiết năng lực thực hiện các cam kết cụ thể theo Hiệp định, việc đánh giá chủ yếu trên góc độ sự phù hợp của pháp luật trong nước; Nghĩa vụ triển khai đầy đủ các cam kết của Hiệp định theo lộ trình chưa được các bên liên quan nhận thức đầy đủ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết, năm 2019 sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực thi các cam kết tại Hiệp định để đáp ứng yêu cầu thực thi cam kết của Hiệp định một cách thực chất; Hoàn thiện, nâng cấp cổng thông tin thương mại Việt Nam nhằm đáp ứng các nghĩa vụ về công bố và minh bạch thông tin theo Hiệp định; Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong quá trình thực thi Hiệp định thông qua việc tổ chức, đánh giá mức độ tiếp cận nội dung Hiệp định và năng lực triển khai các cam kết đòi hỏi sự tham gia của các Bộ, ngành...

Úc chuẩn bị 'siết' quy định ghi nhãn thực phẩm với thành viên WTO(VietQ.vn) - Úc dự kiến sửa đổi các quy định về ghi nhãn xuất xứ đối với thực phẩm nhập khẩu vào nước này.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang