Hiệp hội Cà phê và Ca Cao VN: ‘Không thể nói cà phê pha trộn là cà phê bẩn’

authorDương Phương Ngọc 06:12 26/07/2016

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Viết Vinh, Hiệp hội Cà phê & Ca cao VN nói: Cần làm rõ thành phần pha trộn trong cà phê… ‘Không thể nói cà phê pha trộn là cà phê bẩn’.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cà phê pha trộn mà an toàn thì... không sao?!

Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49 cho biết: Ít đơn vị nào công bố có thành phần đậu tương trong cà phê - Đây là một hành vi gian dối đánh lừa người tiêu dùng.

Cà phê giả tràn lan: Làm sao để không chết vì cà phê ‘rởm’?(VietQ.vn) - Trước thực trạng cà phê giả tràn lan, khi uống cà phê, việc đầu tiên, bạn hãy nhìn cốc cà phê trên tay bạn, nếu nước cà phê màu đen là có vấn đề.

“Về thực tế trong quá trình kiểm tra, chúng tôi từng phát hiện một cơ sở sử dụng 100% đậu nành, không có hạt cà phê nào cả nhưng vẫn ghi bao bì là 100% cà phê nguyên chất, cà phê Tây Nguyên đặc sản”, đại diện C49 đã từng bày tỏ.

Còn TS. Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) trong buổi tọa đàm mới đây đã nhận xét: Ông nhiều lần làm trưởng đoàn đi thanh tra việc kinh doanh sản xuất cà phê ở các tỉnh Tây nguyên nên thấy tình trạng cà phê độn các loại đậu nành, bắp khá phổ biến.

Một số “ông lớn” về cà phê như Nestlé cũng thừa nhận: Doanh nghiệp của mình có bán cà phê độn đậu rang.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Người tiêu dùng có nên lo lắng về chất lượng cà phê pha trộn đang khá tràn lan trên thị trường hiện nay?

Trả lời câu hỏi này với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam nhấn mạnh: “Không thể nói cà phê pha trộn là cà phê bẩn”.

Theo lý giải của ông Vinh: Tùy thuộc vào gu thưởng thức của người uống mà các doanh nghiệp có cách pha chế khác nhau. Ví dụ, gu uống của người Việt ở Tp.HCM thích loãng trong khi đó, dân phía Bắc lại thích uống cà phê phin đậm đặc hơn, còn nhiều nước trên thế giới lại ưa chuộng thứ cà phê có vị chua.

 Ông Nguyễn Viết Vinh: Cà phê pha trộn nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe thì không vấn đề gì...

Hơn nữa, để có một ly cà phê ngon, các doanh nghiệp sản xuất cà phê không chỉ pha chế riêng cà phê Robusta (hay còn gọi là cà phê vối) mà còn pha lẫn cà phê Arabica (có tên khác là cà phê chè) theo tỷ lệ 70 – 30, 60 – 40 tùy cách pha.

Ngoài ra, cơ thể mỗi người có thể tiếp nhận, dung nạp được một hàm lượng lớn caffein nhất định, có người hoàn toàn không thích cà phê có chất caffein, thậm chí, nếu uống nhiều caffein sẽ dễ dàng bị “say cà phê”.

Vì vậy, “nếu nói cà phê pha trộn là cà phê bẩn thì các cơ quan chức năng phải chứng minh được trong cà phê đó có hóa chất, phụ gia, hương liệu gì đó mà Bộ Y tế của Việt Nam cũng như các tổ chức y tế thế giới nghiêm cấm” – ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, cũng theo vị Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam này: “Nếu các doanh nghiệp sản xuất cà phê pha trộn nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng thì không vấn đề gì…” và người dùng vẫn có thể chấp nhận được bởi nó phù hợp với gu thưởng thức của họ.

Cần phải có quy chuẩn về chất lượng cà phê

Đồng thời, ông Vinh cũng nói thêm rằng: “Bây giờ đậu nành, đậu bắp, đậu tương, chúng ta vẫn ăn bình thường nhưng quan trọng ở chỗ, nếu loại nào rang quá cháy, rang cháy tới một nồng độ cao nào đó mà không được phép thì Bộ Y tế phải cảnh báo, định hướng cho người sản xuất”.

Ông Vinh lưu ý: Cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương phải đưa ra những quy định về quy chuẩn chất lượng của cà phê tại Việt Nam, cà phê như thế nào thì được gọi là “cà phê sạch”, như thế nào thì bị gọi là “cà phê bẩn”.

“Thứ nhất, phải có quy chuẩn về cà phê để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tức là an toàn trong đồ uống, nhằm định hướng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà sản xuất.  Trước đây, Việt Nam đã có tiêu chuẩn về cà phê nhân, chúng tôi cũng đang đề nghị Bộ Y tế cho ra quy chuẩn về chất lượng cà phê rang xay và hòa tan để quản lý và định hướng người tiêu dùng.

Cần phải có quy chuẩn về chất lượng cà phê. Ảnh: Internet.

Ví dụ, lượng caffein trong cà phê được quy định với hàm lượng bao nhiêu. Ở nhiều nước trên thế giới, đôi khi, họ cũng cho thêm sữa, đường vào cà phê, lượng caffein chỉ 0,3 – 0,5% nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn đồ uống cho người dùng thì vẫn được.

Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất phải nêu rõ về thành phần trên nhãn mác, bao bì. Tôi đồng ý, anh có thể pha độn thêm một chút theo gu thưởng thức của người Việt cho đặc, sánh nhưng mức độ bao nhiêu thì được phép, ở mức độ cao hơn thì có ảnh hưởng sức khỏe người dùng không? Từ đó có hình thức xử phạt nếu vi phạm. Thậm chí, khi kiểm tra, chất đó quá ngưỡng cho phép thì phải phạt vi phạm hành chính…” – ông Vinh nhấn mạnh.

Việc yêu cầu các nhà sản xuất ghi rõ thành phần trên nhãn mác đã được Chính phủ đưa vào Nghị định quy định về việc treo nhãn mác, bao bì, vì vậy, theo ông Vinh, các doanh nghiệp cà phê phải thực hiện nghiêm túc.

Nếu quảng cáo “cà nguyên chất” thì doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo nguyên chất 100% nguyên liệu từ cà phê, còn nếu pha trộn thì cần phải thông báo rõ thành phần bao gồm những chất gì, hàm lượng đậu nành, đậu tương… cụ thể là bao nhiêu.

Liên quan tới việc đại diện Công ty Nestlé Việt Nam cho rằng: Việc doanh nghiệp công bố tỉ lệ % thành phần từng chất có trong sản phẩm trên bao bì thì… “sẽ lộ bí quyết kinh doanh”, vị Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam không nhất trí với quan điểm này.

“Nói sợ lộ “bí quyết kinh doanh” đó là việc của doanh nghiệp nhưng dù gì thì cũng không được để ảnh hưởng tới sức khỏe con người” – ông Vinh bày tỏ.

Trước đó, khi chia sẻ với Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty CP Tập đoàn Thái Hòa cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng cà phê bẩn, giả tràn lan không phải do nhu cầu lợi nhuận, cũng không phải do nguyên liệu cà phê của Việt Nam đắt tới mức phải “độn” thêm ngô, đậu tương, muối,…

Bởi 1 kg cà phê nhân chỉ có giá khoảng 30.000 đồng, tạo ra 7 lạng cà phê rang xay, trong khi 1kg đậu tương cũng có giá gần tương đương, khoảng hơn 20.000 đồng.

“Tôi nghĩ do đặc tính của người tiêu dùng Việt, họ ưa thích dùng cà phê có 4 đặc điểm “đặc, đắng, sánh, bọt” nên các hộ sản xuất thường pha trộn nhằm đáp ứng thị hiếu, “gu” thưởng thức của người dùng, từ đó, cà phê bán chạy, doanh thu tăng” – ông An đánh giá.

Ông Nguyễn Văn An - chủ của Tập đoàn Thái Hòa – một đơn vị “tuyên chiến” với cà phê bẩn này đã “vạch mặt” 4 nhóm hóa chất đã và đang được sử dụng phổ biến trong cách chế tác cà phê bẩn.

Thứ nhất, để tạo bọt trong cà phê, người ta dùng hóa chất công nghiệp - chất tạo bọt Sodium Lauryl Sunlfate. Chất này có trong nước rửa chén, dầu gội đầu, rất nguy hại có khả năng gây ung thư.

Thứ hai, để tạo độ sánh, người ta thường dùng bột ngô, bột đậu nành hoặc bổ sung  CMC (chất tạo sánh). Bản thân ngô và đậu nành đều có nhiều dinh dưỡng nhưng khi rang cháy lại rất nguy hại. Thêm vào đó, họ còn cho thêm mỡ gà, mỡ bò hay bơ để tạo độ ngậy và mùi hương lạ cho cà phê nhưng khi bảo quản những chất này rất dễ bị oxy hóa sinh ra các hợp chất như Andehit và xeton rất khó chịu. 

Thứ ba, để cà phê có vị đắng, những người làm cà phê bất chính dùng hạt cau, thuốc ký ninh (dùng điều trị sốt rét) hoặc rang cháy cà phê.

Chất ký ninh này trong dược phẩm được dùng để chống sốt rét nhưng nếu lạm dụng quá sẽ gây bệnh cho cơ thể.

Thứ tư, để cà phê có tính đặc, ngoài bỏ thêm đường cháy, những hộ kinh doanh cà phê bẩn còn đổ thêm nhiều tinh bột như ngô, đỗ tương để khi gặp nước nóng, tinh bột có tính hồ hóa sẽ đặc lên.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang