Hiệp hội Phân bón ‘vạch tội’ Công ty Thuận Phong lừa dối người tiêu dùng

author 18:36 09/12/2015

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ việc Công ty CP SX & TM Thuận Phong sản xuất, kinh doanh phân bón nghi giả và kém chất lượng, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, nếu không giải quyết triệt để sẽ gây bức xúc cho người nông dân và doanh nghiệp chân chính ngành phân bón.

Vừa qua, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có đề nghị lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Công ty CP SX & TM Thuận Phong (Công ty Thuận Phong) sản xuất phân bón giả, gắn nhãn của công ty Mỹ. Trong văn bản, Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nêu ra 9 nội dung được cho là sai phạm liên quan đến Công ty Thuận Phong.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm việc với các ngành chức năng tại Đồng Nai Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm việc với các ngành chức năng tại Đồng Nai về vụ nghi Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón, nhãn mác giả.

Cụ thể, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, liên ngành 389 Quốc gia, 389 Đồng Nai cùng 389 Bộ Quốc phòng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong. Sau khi kiểm tra biên bản lập tại chỗ có sự chứng kiến của tất cả các thành viên, ông Khiếu Mạnh Tường – TGĐ Công ty đã ký xác nhận vào biên bản: Công ty đã giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói với số lượng rất lớn về tem, nhãn hàng hóa giả mạo nguồn gốc sản xuất ở Mỹ.

Đoàn liên ngành đã lấy 29 mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong mang đi giám định chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3. Kết quả thu được có 19/29 mẫu kém chất lượng, không phù hợp so với đăng ký trên bao bì phân bón bán ra thị trường. 19 mẫu không phù hợp đăng ký chất dinh dưỡng chính, chỉ đạt dưới 70%, trong đó có loại phân bón vi lượng kẽm (Zn) ghi trên bao bì là 15000 ppm. Kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt 1310 ppm, bằng gần 10%, so với tỷ lệ Công ty Thuận Phong công bố.

Hiệp hội Phân bón cũng cho rằng, hợp đồng giữa công ty của Mỹ là Bio Huma Netics và Công ty Thuận Phong là không có giá trị pháp lý ở Việt Nam. Việc đóng chai, ghi nhãn chính bằng tiếng Anh, nhãn phụ tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa, giả mạo nơi sản xuất đóng gói. Hồ sơ nhập khẩu của Công ty Thuận Phong qua Hải quan cảng Cát Lái – TP. HCM cho thấy: Tất cả các sản phẩm phân bón về đều là phân bón rễ.

Một sản phẩm phân bón nghi giả của Công ty Thuận Phong sản xuấtMột sản phẩm phân bón nghi giả của Công ty Thuận Phong sản xuất

Đại diện Hiệp hội cũng dẫn lời đại diện Cục Trồng trọt cho biết: Khi nhập về phải ghi rõ phân bón rễ. Nhưng Công ty Thuận Phong đã cố tình lừa dối người tiêu dùng bằng cách ghi trên sản phẩm phân bón lá. Đây là hành vi giả mạo về công dụng phân bón, rất nguy hại cho cây trồng.

"Trong lần kiểm tra Văn phòng đại diện Công ty Thuận Phong tại Đắk Lắk theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã thể hiện rõ: Trong khi hồ sơ hải quan thể hiện Công ty Thuận Phong chỉ nhập khẩu phân bón rễ bằng cả stec dung tích hàng nghìn lít, thì công ty này lại san chiết ra các chai dung tích 1 lít, dán nhãn phân bón lá để bán với giá rất cao" - một nội dung trong văn bản của Hiệp hội Phân bón nêu.

Ngoài nội dung nói trên, Hiệp hội Phân bón còn nêu các vấn đề khác về Công ty Thuận Phong như tự in, giả mạo chứng nhận của Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ…

Với các sai phạm như Hiệp hội Phân bón nêu, Hiệp hội đã đề nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các cấp lãnh đạo có thẩm quyền chuyển vụ việc lên Ban 389 Quốc gia và liên Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương và các ngành có trách nhiệm phối hợp, căn cứ hồ sơ để điều tra lại vụ việc.

Trong văn bản đề nghị lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu: Nếu không làm đến nơi, đến chốn thì hàng chục triệu nông dân và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính thiếu tin tưởng và bức xúc.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang