Hiệp hội Thép xin nhập thép phế liệu: Chuyên gia kinh tế lo ngại

author 15:23 15/08/2018

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia kinh tế, nếu nhập thép phế liệu không tái chế được hoặc tái chế gây ra độc hại cho môi trường sẽ trở thành vấn đề rất đáng lo ngại.

Theo thông tin trên trang web của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đơn vị này vừa có văn bản gửi Bộ TN&MT và các cơ quan chức năng đề xuất các cơ quan nhà nước tiếp tục xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn đảm bảo điều kiện môi trường làm nguyên liệu sản xuất giải quyết cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Cụ thể, trước mắt cho phép các doanh nghiệp trong ngành thép được tiếp tục nhập khẩu 1,9 triệu tấn thép phế liệu từ các nước để phục vụ sản xuất trong nước. Trong khi đó, thống kê của VSA cũng cho thấy, để đáp ứng sản xuất, từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam sẽ cần nhập khẩu khoảng 19 triệu tấn sắt thép vụn (thép phế liệu).

Theo lãnh đạo VSA, sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường vì đây là nguồn nguyên liệu tái tạo. Dùng sắt thép phế liệu để sản xuất ra thép, các nhà sản xuất có thể giảm mức năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng 1/5 so với sản xuất thép từ nguồn nguyên liệu quặng sắt. 

Để đáp ứng các tiêu chí không ảnh hưởng đến môi trường và không để Việt Nam thành bãi rác thải phế liệu, VSA cũng đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành các chế tài xử lý nghiêm đối với các đơn vị nhập khẩu sắt thép vụn vi phạm quy định, gây tác động không tốt với môi trường.

Nhận định về vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: Phế liệu có thể tái chế thì việc nhập khẩu về là bình thường. Tuy nhiên, sợ nhất việc nhập thép phế liệu không tái chế được hoặc tái chế gây ra độc hại cho môi trường. Đây là vấn đề rất đáng ngại.

“Trung Quốc và nhiều nước đang bỏ việc nhập thép phế liệu này, trong khi mình lại nhập về. Theo tôi cần cân nhắc kỹ lưỡng", ông Phong nhấn mạnh.

Hiệp hội Thép xin nhập thép phế liệu: Lo ngại gây độc hại đến môi trường

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu sắt thép phế liệu đã lên tới gần 2,5 triệu tấn, tăng gần 83% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cho thấy, từ nay đến hết năm 2018, nếu không có giải pháp, kim ngạch nhập khẩu sắt thép phế liệu sẽ lên tới 1,5 - 1,7 tỷ USD.

Tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 30/7 vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng công bố báo cáo chi tiết cho hay, tính đến hết tháng 5/2018, các doanh nghiệp trên cả nước đã nhập khẩu hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu để làm nguyên liệu cho sản xuất thép trong nước. Ngoài sắt thép phế liệu, các doanh nghiệp còn nhập khẩu về Việt Nam cả tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô, giấy...

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có 928 doanh nghiệp chuyên thực hiện nhập khẩu phế liệu. Điều khiến các chuyên gia lo ngại là trong sắt thép phế liệu nhập về Việt Nam có khối lượng lớn là sắt thép lấy từ các thiết bị, máy móc cũ, thép vụn và thép công trình cũ. Trong đó, nguy hiểm nhất là các loại sắt thép từ máy móc cũ thuộc các công trình, nhà máy hóa chất được thải loại nhập khẩu về Việt Nam chưa qua xử lý.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang