Hiểu đúng về sừng tê giác

author 08:22 03/09/2013

Cơ quan quản lý Cites Việt Nam và tổ chức Human Society International (HIS) đã công bố một chiến dịch nâng cao nhận thức dài hạn cho cộng đồng nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam.

Chung tay bảo vệ các loài vật hoang dã

PGS.TS. Võ Đại Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, sau gần 20 năm tham gia công ước Cites, Việt Nam đã tích cực thực hiện các cam kết quốc tế với một hệ thống pháp lý toàn diện về bảo tồn, quản lý, kiểm soát hoạt động buôn bán các loài hoang dã, cũng như các chế tài để xử lý vi phạm. Tới nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đã phát hiện và bắt giữ nhiều nhất các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật loài hoang dã nguy cấp từ châu lục khác như ngà voi đã tịch thu trên 25 tấn và gần 20 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác. 

 

Ông Hải bày tỏ, tháng 12/2012 tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nam Phi đã ký kết bản ghi nhớ tăng cường hợp tác bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học. Mới đây tại Pretoria, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Tài nguyên nước - môi trường Nam Phi đã ký kết kế hoạch hành động nhằm thực thi Bản ghi nhớ này với 26 hành động cụ thể, trong đó sẽ tập trung vào việc đấu tranh với tình trạng săn bắn, buôn bán trái phép mẫu vật tê giác. 

Bà Kgomotos Ruth Magau – Đại sứ Nam Phi cho biết, Nam Phi là nơi sinh sống quần thể loài tê giác trắng lớn nhất thế giới, và loài tê giác đen chỉ còn hơn 2.000 con. Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có hơn 580 cá thể tê giác bị chết dưới bàn tay của những kẻ săn trộm, điều đó có nghĩa là mỗi ngày có hơn 2 cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng. Phần lớn số sừng đó đã được đem đến châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần cam kết của tất cả mọi người trên thế giới để thay đổi thực trạng hiện nay. 

William Fowlds, cán bộ thú y về loài hoang dã của Nam Phi, người đã chữa các vết thương kinh hoàng cho những con tê giác bị cắt mất sừng cho biết, số lượng tê giác bị giết ở Nam Phi không ngừng tăng lên mỗi năm: năm 2011 có 400 con, năm 2012 là 600 con, và năm 2013 sẽ còn nhiều hơn. Không chỉ người dân Nam Phi săn bắn, mà hàng trăm con tê giác cũng đã bị săn bắn bởi người Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc do họ lợi dụng sự kiểm soát lỏng lẻo của giới chức Nam Phi đối với mẫu vật triển lãm giáo dục. Bà William Fowlds nhận định: “Những lời thêu dệt về công dụng của sừng tê giác đã khiến một số người tin rằng đây là loại thuốc chữa bách bệnh hoặc giảm sốt, một số người sử dụng để giải rượu. Nhiều đối tượng khác lại sử dụng làm quà tặng hoặc thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên, kết quả nhiều nghiên cứu đã cho thấy sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, thành phần chỉ có chất keratin và các thành tố khác có hại cho sức khỏe con người”. 

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cites Việt Nam cho hay, phong trào sử dụng sừng tê giác rộ lên đỉnh điểm ở Việt Nam vào năm 2010, khi ấy giá 1 lạng sừng tê giác lên đến 120 triệu đồng. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết rằng sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, cùng với sự tăng cường phòng chống buôn bán loại sản phẩm này, đến nay nhu cầu sừng tê giác ở nước ta đã giảm đi, nên giá sừng tê giác được giới buôn lậu chào bán chỉ còn 60 triệu đồng/lạng. 

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, những năm qua, một lượng lớn sừng tê giác đã được vận chuyển trái phép vào Việt Nam với mục đích thương mại, làm quà tặng giá trị cao và thể hiện đẳng cấp, làm dược phẩm. Sừng tê giác từ nước ngoài thường tạm nhập vào Việt Nam bằng đường hàng không, sau đó tái xuất đi nước thứ ba. Các đối tượng móc nối với nhau tạo thành các đường dây chặt chẽ có tổ chức, thủ đoạn cất giấu tinh vi. Từ đầu năm 2008 đến giữa tháng 8/2013, ngành hải quan đã bắt giữ được 13 vụ vận chuyển trái phép sừng tê giác, số lượng xấp xỉ 121,5kg. Những vụ việc điển hình như, ngày 26/2/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện, bắt giữ 2 hành khách nhập cảnh trên chuyến bay từ HongKong đến, có hành vi vận chuyển trái phép 22kg sừng tê giác. Ngày 6/1/2013, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ 1 hành khách nhập cảnh có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa cấm nhập khẩu đi từ Mozambique quá cảnh qua hai địa điểm là Quata và Băng cốc (Thái Lan) đến Việt Nam, tang vật thu giữ 16,5kg sừng tê giác.

Nâng cao nhận thức giảm sử dụng sừng tê giác

Sau khi thỏa thuận ngăn chặn buôn bán ngà voi, tê giác giữa Việt Nam và Nam Phi được ký kết, các đối tượng buôn bán mặt hàng này đã chuyển hướng địa bàn hoạt động sang Mozambique, và tình trạng này đang gia tăng mạnh (vì luật pháp Mozambique không truy tố, không có án phạt tù đối với tội phạm buôn bán tê giác). Một số đối tượng là người Việt Nam mua bán, săn bắn tê giác tại Nam Phi sau đó vận chuyển về Việt Nam hoặc qua nước khác buôn bán lậu sang Trung Quốc. Công tác phòng chống buôn bán trái phép hiện gặp nhiều khó khăn, do việc xác minh các doanh nghiệp trong nước đứng tên nhận các lô hàng vi phạm rất khó thực hiện, trong khi đó việc xác minh các đối tượng nước ngoài gửi hàng hoá vào Việt Nam gặp nhiều trở ngại do sự khác biệt về hệ thống pháp luật. Ngành hải quan đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó có vai trò của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội,... ở tất cả các khâu, từ tổ chức tuyên truyền vận động, đào tạo nhận biết các loài hoang dã cần được bảo vệ,... đến phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý. 

Cơ quan quản lý Cites Việt Nam và tổ chức HIS đã công bố một chiến dịch nâng cao nhận thức dài hạn cho cộng đồng nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. Chiến dịch này sẽ được triển khai tới phụ nữ, doanh nhân, sinh viên, các đối tượng hành nghề Tây y và Đông y để xây dựng và thực hiện các chiến lược giảm cầu trong cộng đồng. 

Bà Teresa Telecky – Giám đốc Bộ phận loài hoang dã của HIS, bày tỏ: “Một trong những nguyên nhân cản trở nỗ lực thực thi pháp luật chính là sự hạn chế về nhận thức của một bộ phận dân chúng, đã bị các đối tượng buôn bán trái phép loài hoang dã lợi dụng để tạo ra thị trường tiêu dùng, trong đó có các sản phẩm là mẫu vật tê giác. Giảm cầu đối với sừng tê giác ở Việt Nam sẽ chấm dứt thị trường cho các mạng lưới tội phạm buôn bán trái phép, để cứu mạng sống của loài tê giác”.

Chu Khôi

KTNT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang