Hiểu lầm phổ biến về căng thẳng

author 08:15 13/04/2013

(VietQ.vn) - Việc nôn nóng muốn loại trừ mầm mống căng thẳng có thể khiến chúng ta vấp phải những sai lầm xung quanh việc nhận thức nguồn gốc, tác hại và nguy cơ của trạng thái tổng hòa cảm xúc này.

Dưới đây là những sai lầm phổ biến về căng thẳng, những điều mà đa số chúng ta đều mặc nhiên khẳng định như chân lý trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.

Căng thẳng là một động lực

Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng căng thẳng có thể là động lực để cố gắng và hoàn thiện kế hoạch. Thí dụ như việc lo lắng trước kỳ thi thúc đẩy chúng ta tăng tốc nắm bắt kiến thức, còn làm việc càng căng thẳng chứng tỏ đang dần tịnh tiến tới thành công. Trên thực tế, căng thẳng chỉ là một cơn lốc xoáy của những cảm xúc tiêu cực, và nếu thực sự muốn thành công, căng thẳng không phải là một yếu tố thúc đẩy. Thậm chí, căng thẳng còn khiến con người vốn sáng suốt đưa ra quyết định sai, suy giảm sáng tạo, cạn kiệt về tinh thần cũng như kiệt sức.

Một vài đồ uống có cồn có thể đẩy lùi căng thẳng

Theo một nghiên cứu vào năm 2008, thức uống có cồn chỉ làm tăng chất cortisol (hormone căng thẳng). Hơn nữa, rượu và căng thẳng cũng đã được xác định là một sự kết hợp tai hại. Sau một ngày căng thẳng, tốt nhất là hãy nghỉ ngơi, thư giãn thay vì chìm đắm trong men rượu với hi vọng sẽ giúp tiêu tan mệt mỏi, mà hậu quả là những cơn nhức đầu sẽ xuất hiện dày đặc vào ngày hôm sau.

Đồ uống có cồn không có tác dụng tiêu tan căng thẳng

Không có gì đáng lo ngại khi không có triệu chứng căng thẳng

Mất ngủ và tăng cân là hai triệu chứng thường thấy của chứng căng thẳng mãn tính. Nhiều người chủ quan cho rằng khi không mắc các triệu chứng trên có nghĩa là cơ thể hoàn toàn miễn nhiễm với căng thẳng. Trong thực tế, căng thẳng mãn tính có liên quan tới những nguy cơ cho sức khỏe con người, nhất là bệnh tim và bệnh ung thư. Việc đầu óc thường xuyên căng thẳng quá mức cũng có thể dẫn đến lượng cholesterol tăng đột ngột hoặc chứng tiểu đường, mặc dù không có dấu hiệu báo trước. “Đó là một kẻ giết người thầm lặng” - Kathleen Hall, tiến sĩ, chuyên gia về thần kinh học nói.

Căng thẳng gây tổn thương dạ dày và đường ruột

Trái ngược với niềm tin phổ biến của hầu hết mọi người, các trường hợp tổn thương dạ dày và đường ruột đều không phải là “tội lỗi” của căng thẳng. Vi khuẩn Helicobacter pylori mới là nguyên do chính của các cơn đau và tổn thương nội tạng. Còn căng thẳng, tuy có làm tăng nồng độ acid dạ dày, nhưng chỉ góp phần làm suy giảm hệ chức năng tiêu hóa chứ không phải là “thủ phạm” đích thực của chứng bệnh trên.

Tổn thương dạ dày và đường ruột không phải là “tội lỗi” của căng thẳng

Chỉ sự kiện tiêu cực gây ra căng thẳng

Một nghịch lý mà chúng ta không dễ gì chấp nhận, là không những các sự kiện căng thẳng mà hạnh phúc cũng có thể gây ra căng thẳng. Nguyên do là những áp lực đến từ việc chuẩn bị cho kế hoạch, sự lo lắng và quá coi trọng cảm xúc của mọi người. Thực tế, tất cả những điều gì phá vỡ thói quen thường ngày, các chế độ điều hòa cũng có thể gây nên phản ứng căng thẳng. Cảm xúc là yếu tố hàng đầu gây rối loạn trong tâm trí, dù vấn đề đang xảy ra là tích cực hay tiêu cực. Các sự kiện vui vẻ, hạnh phúc đứng đầu trong việc gây nên sự căng thẳng nghiêm trọng là các kỳ nghỉ, ngày chủ nhật, bắt đầu một tình yêu…

Căng thẳng là điều bất khả kháng

Trước hết, phải khẳng định chúng ta có khả năng ngăn chặn các tình huống gây căng thẳng xảy ra. Thứ hai, chúng ta cũng có thể kiểm soát phản ứng của chúng trên cơ thể mình. Thiền, chánh niệm, nuôi dưỡng trí tập trung, nhận thức rõ ràng về thì hiện tại đã được chứng minh là làm giảm bớt các phản ứng do căng thẳng cũng như nồng độ chất cortisol. Rõ ràng, với những nỗ lực đúng hướng, con người hoàn toàn có thể điều hòa cũng như đối phó với các mức độ căng thẳng khác nhau.

Chúng ta có thể điều hòa cũng như đối phó với các mức độ căng thẳng khác nhau

Mọi người đều có các triệu chứng căng thẳng y hệt nhau

Có vô số những yếu tố có thể gây nên tình trạng căng thẳng, và cũng chừng ấy các biểu hiện về thể chất và tâm lý. Tất cả mọi người từng trải qua căng thẳng không có cùng một khuôn phản ứng và cảm xúc. Có người cảm thấy bộ máy tiêu hóa có vấn đề, có người lại thiếu tập trung và rơi vào trầm cảm, lại có những người cảm thấy khó kiểm soát tâm trạng thất thường. Có rất nhiều điều xảy ra trong cơ thể khi bạn căng thẳng, và điều quan trọng là lắng nghe, tổng hợp và điều chỉnh các phản ứng của cơ thể.

Stress là một thuộc tính của những người thành công

Trước hết, căng thẳng không phải là một thước đo về giá trị hay thành công. Thời đại ngày nay, phần lớn chúng ta quay cuồng trong những nghĩa vụ, trách nhiệm, tham vọng, đó mới chính là nguyên nhân gây nên căng thẳng. Ngay cả những người bình thường, những vấn đề trong cuộc sống thường ngày cũng tác động lên tâm trí nghiêm trọng không kém những phi vụ, kế hoạch lớn của những nhân vật có tiếng tăm. Căng thẳng hoàn toàn không “buông tha” cả những người bình thường.

Căng thẳng không chỉ là thuộc tính của những người thành công

Căng thẳng và rối loạn lo âu tương tự nhau

Căng thẳng, cả cấp tính và mãn tính hoàn toàn khác với quá trình rối loạn lo âu. Khác mối lo lắng của con người, căng thẳng có thể được chẩn đoán và chữa trị dễ dàng hơn. Về bản chất, căng thẳng xuất phát từ một sự kiện hoặc tư tưởng tác động đến tâm trí, còn lo lắng đặc trưng cho cảm xúc sợ hãi, bất an và có thể không có nguyên nhân nào cả. Lo lắng mãn tính không có nguyên nhân có thể càng ngày càng trầm trọng, khi nếu vượt qua ngưỡng căng thẳng, con người có thể trở nên vững vàng hơn. Đặc biệt, căng thẳng tự nhiên có thể tự tiêu tan hoặc suy giảm theo thời gian, còn rối loạn lo âu sẽ không dễ dàng tiêu biến như chúng ta vẫn nghĩ.

Ngọc Tình (Theo Libero)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang