Hiệu quả kinh ngạc của loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 do Nga công bố

author 06:27 13/11/2020

(VietQ.vn) - Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, vaccine Sputnik V hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 đến 92%, sau hai ngày tuyên bố hiệu quả 90%.

Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) khẳng định, người đã tiêm vaccine Sputnik V có rủi ro nhiễm Covid- 19 thấp hơn nhóm dùng giả dược 92%. Dựa trên dữ liệu cho thấy rằng đây là loại vaccine rất hiệu quả.

Trước đó, Oksana Drapkina, giám đốc viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Y tế Nga, tuyên bố vaccine có tác dụng hơn 90%.

Theo Kirill Dmitriev, kết quả 92% dựa trên dữ liệu từ 16.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đầu tiên. Họ được tiêm liều gồm hai mũi vaccine hoặc giả dược và trở về cộng đồng nơi dịch bệnh lây lan. Sau khi 20 người nhiễm nCoV, các chuyên gia tiến hành so sánh và đánh giá. Con số này thấp hơn đáng kể so với 94 ca nhiễm trong quá trình thử nghiệm của Pfizer và BioNTech.

 Vaccine Sputnik V của Nga đạt hiệu quả cực cao. Ảnh: Reuters

Thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine Sputnik V đang diễn ra tại 29 phòng khám khắp thành phố Moskva với 40.000 người tham gia. Các nhà khoa học chia họ thành hai nhóm: tiêm vaccine và dùng giả dược.

Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya, nơi phát triển sản phẩm, cho biết Nga sẽ tiến hành tiêm chủng đại trà trong tuần tới. Ít nhất 1,5 triệu người sẽ được tiêm chủng vào cuối năm 2020. Đến nay, khoảng 40.000 đến 45.000 người Nga đã sử dụng vaccine.

RDIF cho biết sẽ công bố dữ liệu nghiên cứu trên một tạp chí y tế hàng đầu sau khi bình duyệt. Kết quả các thử nghiệm giai đoạn đầu đã xuất bản trên Lancet hồi tháng 9. Các chuyên gia Nga nhận định đây là tin tức đáng khích lệ, củng cố ý tưởng nhân loại có thể ngăn chặn đại dịch bằng vaccine. 

Được biết, vaccine Nga dựa trên công nghệ vector, đưa mã gene virus vào cơ thể, được bác sĩ ví như dùng tên lửa đẩy vệ tinh Sputnik vào không gian. Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.

Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được các nhà khoa học sử dụng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.

Sputnik V được chính phủ Nga phê duyệt sử dụng khẩn cấp hồi tháng 8, trước khi bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn hơn vào tháng 9. Nước này cũng đang thử nghiệm một loại vaccine do Viện Vector sản xuất, chuẩn bị đăng ký chấp thuận.

Vaccine ChAdOx1 ngừa Covid-19 tạo miễn dịch mạnh giảm nguy cơ tử vong ở người già(VietQ.vn) - Vaccine ChAdOx1 ngừa Covid-19 do Đại học Oxford đã tạo miễn dịch mạnh trong nhóm người cao tuổi. Theo các nhà nghiên cứu đây là tín hiệu rất tốt vì có thể làm giảm khă năng tử vong.

Liên quan tới vaccine ngừa Covid-19, các chuyên gia y tế không phủ nhận vaccine của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hiệu quả phòng ngừa đến 90% là bước đột phá của cuộc đua vaccine Covid-19. Song, họ cảnh báo vaccine không thể đẩy lùi đại dịch ngay tức khắc, đặc biệt là khi chúng cần được bảo quản siêu lạnh, ở nhiệt độ -70 độ C.

Giống các sản phẩm từ thịt và sữa, cấu trúc hóa học của vaccine được duy trì trong nhiệt độ nhất định. Thông thường hãng dược sẽ nghiên cứu và tìm ra ngưỡng nhiệt lý tưởng để bảo quản các liều tiêm sau khi hoàn thành toàn bộ thử nghiệm. Tuy nhiên, với tình hình đại dịch căng thẳng hiện nay, cộng với yêu cầu nghiên cứu phát triển nhanh vaccine, quá trình này gặp nhiều khó khăn.

Việc vận chuyển vaccine trong môi trường bảo quản siêu lạnh, đến các quốc gia châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh trở thành thách thức. Với khí hậu nhiệt đới và lượng tủ đông lạnh ít, khu vực này không kỳ vọng nhiều vào vaccine Pfizer.

Tại bệnh viện và trung tâm y tế, số lượng kho chứa chuyên dụng vô cùng hạn chế. Tủ siêu lạnh khá hiếm hoi, bởi chúng không cần thiết đối với vaccine và thuốc men thông thường. Các liều tiêm thủy đậu là một trong số ít loại cần được bảo quản ở điều kiện dưới 0 độ C. Yêu cầu giữ nguyên "dây chuyền đông lạnh" trong quá trình giao hàng đến các vùng nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cần phải tiêm chủng cho khoảng 70% người dân toàn cầu mới mong chấm dứt đại dịch, riêng châu Á có hơn 4,6 tỷ người, tức là ba phần năm dân số thế giới. Một số quốc gia châu Á ưu tiên việc kiểm soát Covid-19 hơn là dự trữ vaccine. Nhiều nước tìm kiếm giải pháp thay thế cho công nghệ RNA mà Pfize sử dụng.

Pfizer cho biết họ đã đề ra kế hoạch hỗ trợ việc vận chuyển, bảo quản vaccine và theo dõi nhiệt độ liên tục. "Chúng tôi đã phát triển và cải tiến bao bì, thùng chứa để phù hợp với điều kiện của từng địa điểm tiêm chủng", hãng nói.

Để bảo quản vaccine của mình, Pfizer tạo ra loại hộp lạnh kích thước bằng một chiếc vali, có thể chứa từ 1.000 đến 5.000 liều trong 10 ngày trước khi phải bổ sung thêm đá khô. Sau khi rã đông, lọ dịch tiêm sẽ được bảo quản trong tủ lạnh lâu nhất là hai ngày. Hãng cũng tìm cách cho ra đời vaccine dạng bột, có thể cất giữ trong điều kiện nhiệt độ ấm hơn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang