Hiệu trưởng dùng tiền giáo viên để tổ chức tiệc, mua quà cho khách lên tiếng

author 16:53 01/12/2014

(VietQ.vn) – Trước các cáo buộc của giáo viên cho rằng, Hiệu trưởng Võ Công Sơn đã dùng tiền do mình đóng góp để tổ chức tiệc, mua quà cho khách, vị Hiệu trưởng này đã chính thức lên tiếng.

Xung quanh các ý kiến, thắc mắc của tập thể hội đồng sư phạm – trường THCS Thái Văn Nam (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), PV Chất lượng Việt Nam đã tìm gặp ông Võ Công Sơn – Hiệu trưởng trường THCS Thái Văn Nam để làm rõ những vấn đề mà các giáo viên đã nêu ra.

Bắt giáo viên phải đóng tiền để trang trải hoạt động của trường?

Theo Hiệu trưởng Võ Công Sơn, cách đây vài năm, trường có đề xuất giáo viên đóng một khoản tiền dùng để trang trải cho các hoạt động của nhà trường, mà ông Sơn gọi là “chi phí cho các hoạt động của nhà trường từ ngày khai giảng đến ngày bế giảng”.

Hiệu trưởng trường THCS Thái Văn Nam - ông Võ Công Sơn.

Khoản tiền này sẽ chi vào việc tiếp khách, tiếp các đoàn khách khắp nơi đến kiểm tra, làm việc tại trường.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, do gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía giáo viên, Hiệu trưởng đã quyết định bỏ khoản tiền này. Thay vào đó, trường sẽ lấy kinh phí chi trả của Nhà nước theo kế hoạch. Nếu kinh phí duyệt cho bao nhiêu, sẽ sử dụng bấy nhiêu. Nếu chi vượt, Hiệu trưởng sẽ tự bỏ tiền túi vào để trả.

Ông Sơn đã khẳng định với chúng tôi, trước khi yêu cầu các giáo viên đóng góp khoản tiền này, tất cả các giáo viên đã thể hiện ý chí, nguyện vọng muốn đóng khoản tiền này, và có ký tên vào biên bản theo từng tổ chuyên môn.

Thế nhưng, khi được chúng tôi đề nghị, ông Sơn chỉ trưng ra được biên bản đóng góp của năm học 2012 – 2013, còn năm 2013 – 2014 thì ông Sơn bảo rằng “để đâu mất rồi”.

Trong biên bản này đã ghi rõ: Các giáo viên nằm trong tập thể hội đồng sư phạm nhà trường chỉ được đóng góp, ký tên vào biên bản, mà không được có thắc mắc, khiếu nại gì về sau.

Bảng công khai chi các khoản tiền của giáo viên năm học 2012 - 2013.

Dựa vô bảng công khai chi tiền mà các giáo viên cung cấp, trong năm học 2013 – 2014, khi được chúng tôi đề nghị giải thích, ông Sơn đã lý giải, vì trên thực tế, các khoản chi của ngân sách không cho phép chi, nên trường bắt buộc phải dùng vào khoản tiền của giáo viên cho việc tổ chức các buổi tiệc, mua quà tặng giáo viên về hưu, hay tổ chức tiệc tất niên, tặng quà bồi dưỡng cho bảo vệ dịp tết…

Thế nhưng, thầy V – một giáo viên của trường đã nhấn mạnh lại rằng: Các giáo viên chỉ ký tên vào biên bản, đồng ý đóng góp tiền để tổ chức những buổi tiệc tập thể của giáo viên, chứ tuyệt đối không ai đồng ý để Hiệu trưởng sử dụng khoản tiền này chi vào những việc ‘linh tinh’ đến như vậy.

Ngoài ra, thêm một điều đáng lưu ý rằng, tại rất nhiều cuộc họp của hội đồng sư phạm, hay tại nhiều cuộc họp khác, các giáo viên đề nghị ông Sơn cung cấp những hóa đơn, chứng từ của những buổi tiệc, hay những lần mua quà này. Tuy nhiên, ông Sơn chẳng có lần nào làm được việc này, mà chỉ có đưa ra bảng công khai, ghi chi tiết chi tiền vào những khoản nào vào thời điểm cuối năm học.

Nói giáo viên như “Nước đổ đầu vịt”: Hiệu trưởng nói giáo viên hiểu nhầm

Ông Võ Công Sơn cũng đã xác nhận với chúng tôi, trong cuộc họp của hội đồng sư phạm hôm 1/9, khi nghe  kế toán trình bày xong phần quy chế chi tiêu nội bộ, ông Sơn có nói câu: “Các anh/chị nghe như ‘nước đổ đầu vịt’.

Thế nhưng, khác với suy nghĩ của nhiều giáo viên cho rằng, chính câu nói này của vị Hiệu trưởng đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thầy cô giáo, ông Sơn khẳng định là mình hoàn toàn không có ý như vậy.

Ông Sơn giải thích: Quyển kế hoạch chi tiêu nội bộ trong năm học của trường rất nhiều trang, đọc lên hết cùng một lúc thì làm sao mà các giáo viên hiểu được ngay. Do đó, “Khi ấy, tôi đã yêu cầu kế toán phải dán các thông tin này lên bảng tin của trường, để các thầy cô còn đọc, nghiên cứu, hiểu kỹ hơn.

Trường THCS Thái Văn Nam, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang.

Về ý kiến của các giáo viên cho rằng, khi giáo viên bị xử lý kỷ luật, phạt tiền vì vi phạm dạy thêm và học thêm, vậy mà Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng năm học đó lại được bình xét là lao động tiên tiến, không thông qua hội đồng thi đua và hội đồng sư phạm nhà trường, Hiệu trưởng – ông Võ Công Sơn nhấn mạnh: Các thầy cô đã không hiểu đúng vấn đề.

Theo đúng nguyên tắc, khi bị xử lý kỷ luật hay bị phạt hành chính, trước tiên, người giáo viên đó phải chịu trách nhiệm trước. Kế đó, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng mới phải chịu trách nhiệm liên đới.

Việc bình xét lao động, thi đua hàng năm, trách nhiệm đánh giá giáo viên là của nhà trường, còn Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng là do lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện đánh giá.

“Họ đánh giá tui như vậy, cho tui danh hiệu đó chứ tui làm sao mà biết được…” – ông Võ Công Sơn nhấn mạnh.

Dạy hướng nghiệp học sinh, vẫn nhận phụ cấp ưu đãi như bình thường

Nhiều giáo viên tại trường THCS Thái Văn Nam thắc mắc: Hiệu trưởng Võ Công Sơn không bao giờ đứng lớp, dạy học sinh mà vẫn nhận phụ cấp ưu đãi 30% lương dành cho Hiệu trưởng đứng lớp, Hiệu trưởng Võ Công Sơn giải thích: “Tui không đứng lớp dạy học sinh, nhưng có dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 9”.

Hiện ông Sơn vẫn đứng lớp dạy hướng nghiệp cho 7 lớp 9 của trường Thái Văn Nam, đúng quy định của Bộ GD&ĐT là 2 tiết mỗi tuần.

Các lớp hướng nghiệp này thường tổ chức vào sáng Chủ nhật, từ 7h – 8h45. Mỗi tháng, các em học sinh lớp 9 sẽ được hướng nghiệp với 1 chủ đề khác nhau. Năm học có 9 tháng sẽ là 9 chủ đề.

Theo ông Võ Công Sơn, năm học này, ông Sơn đã đứng lớp hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 được 2 ngày Chủ nhật. Tuy nhiên, nhiều giáo viên đánh giá, đây vẫn là số tiết quá ít, trong khi năm học đã đi được gần hết học kỳ 1.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang