Hiệu trưởng lên tiếng về những điều khủng khiếp ở trường Nguyễn Hữu Tiến

author 11:21 22/10/2014

(VietQ.vn) – Trước những băn khoăn, thắc mắc của các giáo viên, học sinh của trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM, Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi đã chính thức lên tiếng giải thích.

Giải thích về những phản ánh của các giáo viên cho rằng, các khoản thu chi học phí ở trường đã không rõ ràng, cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng đã khẳng định: Toàn bộ những khoản thu chi này đều đúng theo quy định của quy chế chi tiêu nội bộ đề ra.

Thu chi học phí 2 buổi: Theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy và học 2 buổi/ngày, buổi học thứ 2 trong ngày chủ yếu dùng để phụ đạo các học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy các môn học tự chọn, thực hiện các hoạt động giáo dục ngoại khóa…

Quy chế chi tiêu nội bộ của trường trong năm học 2012 – 2013 đã quy định: Chi hỗ trợ cho các giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy buổi 2, giáo viên thỉnh giảng, hợp đồng là 65% tiền học phí, còn những năm học trước chỉ có chi 60%. Tất cả những điều này đều có ghi rõ trong các biên bản đại hội công nhân viên chức của trường hằng năm.

Đối với khoản thu 200.000 đồng/học sinh lớp 12 vào cuối năm học, cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng đã xác nhận có khoản thu nói trên. Tuy nhiên, cô Nhi cũng đã chứng minh cho chúng tôi bằng một văn bản của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường Nguyễn Hữu Tiến, vận động phụ huynh đóng góp số tiền nói trên.

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh (năm học 2013 – 2014), đây là số tiền đóng góp tự nguyện, dùng để khen thưởng cho các học sinh, giáo viên có những thành tích cao trong học tập, giảng dạy như đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố, đậu đại học, giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tổ chức lễ tri ân cha mẹ, thầy cô…

Hiệu trưởng trường Nguyễn Hữu Tiến và cả đại diện của Hội cha mẹ học sinh trường cũng bác bỏ các thông tin, nói nếu không đóng khoản tiền này thì không phát phiếu báo danh đi thi tốt nghiệp THPT.

Tiền quỹ hội cha mẹ học sinh, nhà trường chỉ thu 150.000 đồng/học sinh vào năm học trước, và năm nay thu 170.000 đồng/học sinh. Thế nhưng, theo lãnh đạo trường Nguyễn Hữu Tiến, các học sinh thuộc diện xóa đói giảm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được miễn thu, nhà trường đều đồng ý và có danh sách từ trước.

Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM (ảnh: website trường)

Về ý kiến cho rằng, trong tình hình thời tiết TP.HCM nóng bức, học sinh ở một số lớp học muốn lắp thêm quạt để cho đỡ nóng, ông Tuấn và cô Nhi đều bác bỏ thông tin nói nhà trường từ chối, bắt các lớp phải tự bỏ tiền ra mua quạt và kêu thợ về lắp.

Theo Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, nhà trường giao các nhiệm vụ lắp đặt, sửa chữa lặt vặt như điện, nước cho tổ bảo vệ. Trong cả năm học 2013 – 2014, chỉ có duy nhất 1 lớp học đề nghị với Ban đại diện cha mẹ học sinh cho phép lắp thêm quạt vì quá nóng (11A2).

Khi tiếp nhận thông tin này, ông Nguyễn Đình Tuấn chỉ yêu cầu đợi trình qua Hiệu trưởng, xong rồi đã tiến hành lắp đặt ngay cho lớp này, chứ không ai từ chối việc này cả.

Thế nhưng, bên cạnh đó, Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi cũng đã thừa nhận, trong một môi trường làm việc tập thể, không phải lúc nào công việc cũng trơn tru, chạy tốt, cũng phải có khuyết điểm, nhưng khuyết điểm, trách nhiệm của ai thì người đó chịu, chứ không thể cái gì cũng đổ lỗi cho Hiệu trưởng, Hiệu phó được.

Đối với các khoản thu 50.000 đồng/tiền giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, phí 44.000 đồng/tiền rút sổ Đoàn của học sinh lớp 12, cô Đào Thị Kim Nhi đã lý giải: Khoản thu 50.000 đồng  là bao gồm cả tiền làm bằng tốt nghiệp, bản sao bằng tốt nghiệp, tiền làm giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và các bản sao. Một phần trong khoản kinh phí này được gửi về Sở GD&ĐT TP.HCM để làm kinh phí thực hiện.

Với khoản tiền 44.000 đồng rút sổ Đoàn, cô Nhi giải thích: Đây là bao gồm các khoản tiền Đoàn phí được thu trong các năm học trước, cộng với phí rút sổ Đoàn.

Một trong số các phòng máy vi tính của trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, TP.HCM.

Trường hợp của thầy Nguyễn Đức Thắng – giáo viên Hóa có học hàm Thạc sĩ, nhưng phải kiêm nhiệm thêm làm giám thị, nguyên nhân đã được cô Nhi đưa ra là do tổ Hóa bất ngờ có nhiều nhân sự xin tạm nghỉ dạy một thời gian do có việc riêng. Sau đó, lại có thêm giáo viên Hóa của Sở GD&ĐT đưa về, nên khi các giáo viên nghỉ đi dạy lại, trường trong tình thế buộc phải phân các giáo viên kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ làm giám thị để cho đủ số tiết quy định của Bộ GD&ĐT.

Về các thắc mắc đóng 100.000 đồng để ủng hộ nhân dân đảo Gạc Ma hồi tháng 5 vừa qua của các giáo viên, cô Nhi thừa nhận: Đây là lỗi sai sót đánh máy, nhưng chủ trương của Công đoàn Sở GD&ĐT TP.HCM hồi tháng 5 vừa qua là có.

Đây là khoản đóng góp kinh phí tự nguyện, ủng hộ nghĩa tình biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, xây dựng tượng đài vinh danh các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên đảo Gạc Ma.

 Với khoản chi mua 20 bộ máy vi tính để thay thế các máy hư hỏng, đây là số tiền đã được Sở GD&ĐT TP.HCM đồng ý trích từ ngân sách Nhà nước. Vì kho của nhà trường đã hết chỗ để máy, nên buộc phải để máy tạm thời trong phòng thầy Hiệu phó để chờ lắp đặt, chứ không phải như một số nguồn thông tin cho rằng trường không có phòng máy vi tính cho học sinh.

Việc thu 200.000 đồng tiền mua xích đu, đây là khoản thu tự nguyện nên chỉ có 10 lớp đồng ý đóng, được 2.000.000 đồng, không đủ tiền mua xích đu. Hiện số tiền này vẫn đang được thủ quỹ của Ban chấp hành Đoàn trường giữ, dự kiến là năm học này sẽ tiếp tục quyên góp tiền để mua xích đu tặng lại cho nhà trường, coi như là một tặng phẩm kỷ niệm của các học sinh lớp 12 trước khi ra trường.

Tài liệu bị tẩy xóa, chỉnh sửa, con số rối tung

Một điều khá bất ngờ với PV Chất lượng Việt Nam là trong quá trình đi tìm hiểu vụ việc xảy ra tại trường Nguyễn Hữu Tiến, chúng tôi đã nhận được rất nhiều bảng công khai tài chính với các số liệu hoàn toàn không trùng khớp với nhau.

Cô Bạch Thị Thanh Duyên – giáo viên của trường phản ánh: Trước đây, trường cho niêm yết công khai một bảng thu chi tài chính học phí 2 buổi, nhưng khi nghe có thanh tra, báo chí chuẩn bị về trường kiểm tra, bảng thu chi tài chính này bất ngờ bị gỡ xuống.

Sau đó, trong nội bộ nhà trường lại tồn tại một bảng công khai thu chi tài chính khác, mà các các số liệu được thống kê ở đây hoàn toàn khác hẳn với bảng công khai thu chi tài chính ban đầu. Khi các phóng viên về trường làm việc, một bảng công khai tài chính với các số liệu khác hẳn lại được đưa ra.

Thêm nữa, không rõ vô tình hay cố ý, tại văn bản do Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn ký cho phép nhà trường mua thêm 20 bộ máy vi tính cũng lại xuất hiện rất nhiều vết tẩy xóa, sửa chữa nhiều nghi vấn.

Văn bản do Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM ký bị tẩy sửa nhiều chỗ.

Như vậy, các thắc mắc, băn khoăn của học sinh, giáo viên trường Nguyễn Hữu Tiến đã được Hiệu trưởng lên tiếng, giải thích từng chi tiết một. Thế nhưng, qua sự đối chứng giữa các tài liệu giáo viên và Hiệu trưởng cung cấp, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt quá lớn.

Thiết nghĩ, đã đến lúc thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM và các cơ quan cấp trên cần sớm vào cuộc, nhanh chóng điều tra để giải tỏa những thắc mắc, nghi ngờ của dư luận, đem lại sự trong sạch, lành mạnh của môi trường học đường.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang