Hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam mơ ước về xuất khẩu giáo dục

author 09:23 30/09/2014

“Chúng ta không nên ngăn cản học sinh du học nước ngoài nhưng phải tính đến việc thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học, đặc biệt là du học tự túc, tạo nên sự cân bằng” - TS Đàm Quang Minh, người vừa được UBND TP Hà Nội bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, bày tỏ

PV: Theo một khảo sát do HSBC mới công bố, Việt Nam có gần 5% trong tổng số sinh viên du học tại 49 quốc gia trên thế giới, trong đó 90% du học tự túc, 40% sinh viên du học tại Úc, Mỹ. Trong khi đó, 1 du học sinh bậc ĐH tại Mỹ phải chịu chi phí trung bình 36.000 USD/năm và ở Úc là 42.000 USD/năm. Ông có suy nghĩ gì về thực tế này?

- TS Đàm Quang Minh: Có thể thấy rất nhiều học sinh, phụ huynh mất niềm tin vào giáo dục trong nước và xu hướng du học ngày càng tăng cho dù chi phí học tập tại nước ngoài rất đắt đỏ. Hiện mỗi năm chúng ta mất khoảng 1,7 tỉ USD cho “tị nạn giáo dục”.

Chúng ta không nên ngăn cản làn sóng du học nhưng phải tính đến việc thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học, tạo nên sự cân bằng. Hiện nền giáo dục Việt Nam vẫn là nền giáo dục đóng, trong khi đa phần các nước như Mỹ, Úc, Singapore... là nền giáo dục mở. Ngay cả các quốc gia như Pháp, Đức, Malaysia cũng chủ động xây dựng các khóa học bằng tiếng Anh để thu hút sinh viên nước ngoài.

Hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam, xuất khẩu giáo dục, sinh viên, đại học FPT

TS Đàm Quang Minh hiện là hiệu trưởng trường ĐH trẻ nhất Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhu cầu được học tập trong môi trường quốc tế là có thật và rất nhiều trường quốc tế thành công bằng các chương trình liên kết ở Việt Nam. Chúng tôi muốn xây dựng những chương trình học để sinh viên Việt Nam không cần đi du học cũng có thể được học theo chuẩn mực quốc tế. Hơn thế nữa, chúng ta có thể kéo sinh viên nước ngoài sang Việt Nam du học, đặc biệt là du học tự túc. Chúng tôi tạm gọi đó là “xuất khẩu giáo dục”.

Vì sao người Việt Nam lại mất niềm tin vào giáo dục trong nước? Theo ông, điều gì đang kìm hãm nền giáo dục Việt Nam?

- Theo tôi, Việt Nam hiện nay có nhiều cơ sở giáo dục nhưng lại không làm giáo dục... Vấn đề này khiến người dân mất niềm tin ghê gớm.

Xu thế cải cách đã bắt đầu xuất hiện nhưng tư tưởng thận trọng khiến chúng ta vẫn loay hoay. Ví dụ quy định về một kỳ thi hoặc kiểm định, khảo thí độc lập. Trong đề án cải cách cũng đã có nhưng là một lộ trình khiến nhiều người sốt ruột và mong muốn được cải cách quyết liệt hơn nữa.

Một ví dụ về cải cách mà giáo dục có thể theo: Chúng ta từng phải xếp hàng dài cả ngày để chờ được công chứng và tốn không ít giấy mực về các tệ nạn kéo theo nhưng khi chuyển công chứng thành dịch vụ thì hoàn toàn không còn cảnh đó. Ngược lại, nhân viên đến tận nhà công chứng cho khách hàng. Sao giáo dục lại không đổi mới theo hướng đó? Tại sao thi cử, khảo thí không theo được phương thức như vậy?

Tiến sĩ vừa được bổ nhiệm là hiệu trưởng Trường ĐH FPT và là hiệu trưởng trường ĐH trẻ nhất Việt Nam hiện nay khi mới 35 tuổi. Ông có dự định và chiến lược gì cho Trường ĐH FPT cũng như đóng góp cho nền giáo dục nói chung?

- Trường ĐH FPT sau 7 năm xây dựng đã trở thành một tổ chức lớn với 1.400 cán bộ, 17.000 sinh viên. Vấn đề lớn nhất tạo sự khác biệt cho sự phát triển của trường chính là tầm nhìn. Tại Trường ĐH FPT, chúng tôi có chiến lược dựa trên 3 yếu tố: toàn cầu (global), thông minh (smart), đại chúng (massive).

Trường ĐH FPT đang và sẽ triển khai các chương trình đào tạo mang tính quốc tế, hướng ra thế giới. Không chỉ sách giáo khoa hoàn toàn bằng tiếng Anh mà việc kiểm tra đánh giá, nội dung đào tạo, giảng viên cũng sẽ theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Điều chúng tôi muốn làm nhất là nâng tỉ trọng sinh viên quốc tế đến học tại Trường ĐH FPT. Trường đang có khoảng 100 sinh viên quốc tế học hệ chính quy và 300 sinh viên quốc tế học hệ ngắn hạn. Con số đó vẫn còn khiêm tốn và chúng tôi phải tìm cách thu hút nguồn sinh viên này.

Ông định mang điều gì của Việt Nam và của Trường ĐH FPT để thuyết phục sinh viên quốc tế đến du học tại nước ta khi thương hiệu giáo dục Việt Nam trên thế giới, như ông nói, hiện nay là con số 0?

- Điều khiến tôi suy nghĩ là tại sao không thể biến Việt Nam từ nước “tị nạn giáo dục” thành “xuất khẩu giáo dục”? Cũng như kinh tế, từ khi gia nhập các hiệp định tự do thương mại, chơi theo luật chơi quốc tế, từ một nước nhập khẩu, chúng ta bắt đầu xuất khẩu hàng hóa một cách mạnh mẽ.

Một sinh viên khi đi du học tại một trường nào đó ở nước ngoài trước hết là nhìn vào thương hiệu giáo dục của quốc gia đó, chẳng hạn Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp... Việt Nam hiện được thế giới nhìn vào là một quốc gia yếu kém về giáo dục. Đáng ra, với vấn đề thương hiệu giáo dục quốc gia thì nhà nước và nhiều tổ chức cùng làm. Malaysia hay Singapore đã làm rất tốt việc này. Nhưng trong điều kiện hiện nay, Trường ĐH FPT sẽ đi trước.

Nói đến lĩnh vực công nghệ thì Việt Nam có nhiều trường ĐH đi trước và có thương hiệu như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chẳng hạn. ĐH FPT là trường ĐH thành lập chưa lâu, ông có tự tin là sẽ cạnh tranh và vượt qua họ hay không?

- Mười năm trước, Trường ĐH FPT chưa ra đời nhưng đến nay đã có sinh viên giỏi. Chúng tôi có những sinh viên đứng đầu các kỳ thi do IBM, Microsoft khởi xướng và có những sinh viên tốt nghiệp trở thành triệu phú ở tuổi 25. Nếu tiếp tục với đà này, 10 năm, 20 năm tới sẽ còn nhiều chuyển biến nữa vì làm giáo dục không thể đánh giá ngắn hạn.

Theo tôi, chúng ta không nên nhìn xuống, không nên đưa ra những chính sách đặc thù trong nước nữa mà phải nhìn lên, nhìn ra ngoài xem thế giới đang làm gì. Sản phẩm giáo dục là con người. Do đó, chúng ta phải chấp nhận đi theo chuẩn thế giới thì con người Việt Nam mới vươn lên đẳng cấp thế giới được. Mục tiêu của Trường ĐH FPT không phải là cạnh tranh ở Việt Nam mà sẵn sàng đưa giáo dục Việt Nam cạnh tranh trên tầm khu vực và thế giới.

TS Đàm Quang Minh sinh năm 1979, tốt nghiệp hệ đào tạo cử nhân tài năng khóa 1 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), được giữ lại làm giảng viên tại trường. Ông bắt đầu chuyển hướng qua giáo dục tư thục từ năm 2008 với vai trò trợ lý chủ tịch Tập đoàn FPT để xây dựng dự án trường phổ thông FPT và trợ lý cao cấp cho chủ tịch FPT. Sau đó, ông làm Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế FPT.

Theo Người lao động


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang