Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương: Đào tạo nhân lực NSCL - “chìa khóa” tăng trưởng kinh tế

author 06:35 18/11/2020

(VietQ.vn) - “Các cơ sở giáo dục đại học có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp (DN) để phát triển năng suất chất lượng tại Việt Nam” - đó là khẳng định của PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khi chia sẻ về vai trò của các trường đại học đối với năng suất chất lượng.

Ông có thể cho biết, các trường đại học có vai trò như thế nào trong việc cung cấp nhân lực chất lượng cao cho DN để phát triển năng suất, chất lượng tại Việt Nam?

Các trường đại học có vai trò hết sức quan trọng để giải bài toán nâng cao năng suất chất lượng từ gốc và góp phần nâng cao năng suất chất lượng một cách bền vững cho DN. Bởi thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là nguyên nhân tạo ra các điểm nghẽn trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo các báo cáo gần đây của APO và của Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất chất lượng của các DN Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao, mà nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay do các cơ sở giáo dục đại học cung cấp. Do vậy, các cơ sở giáo dục đại học có vai trò hết sức quan trọng đối với việc nâng cao năng suất chất lượng cho DN và giải quyết các điểm nghẽn trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tổng cục TCĐLCL, cụ thể là Viện Năng suất Việt Nam và Đại học Ngoại thương đã đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy năng suất của cộng đồng DN và năng suất quốc gia trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Xin ông cho biết, hoạt động hợp tác này tập trung vào những vấn đề gì?

Trường Đại học Ngoại thương và Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện hướng tới mục tiêu thúc đẩy năng suất chất lượng của quốc gia và nâng cao năng suất chất lượng của các DN. Có thể nói, sáng kiến này có tiềm năng rất lớn vì đây là sự hợp tác giữa một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu với một Trung tâm tầm cỡ quốc gia về năng suất chất lượng ở Việt Nam.

Dựa trên thế mạnh của hai bên, nhiều hoạt động đã được cam kết triển khai như: Hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các bậc đại học và sau đại học phục vụ mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, gắn lý thuyết với thực tiễn trong đào tạo; Hợp tác trong nghiên cứu các vấn đề năng suất, chất lượng của quốc gia, của khu vực dịch vụ công, của các DN; Hợp tác đẩy mạnh hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng thông qua các dự án, chương trình cụ thể; Trong bối cảnh chuyển đổi số, hai bên sẽ gắn kết các nền tảng hỗ trợ DN trực tuyến, online, các công cụ đánh giá, hỗ trợ chuyển đổi số trực tuyến của hai bên để phục vụ việc nâng cao năng suất chất lượng của DN.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương 

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học đang rất được chú trọng. Với Đại học Ngoại thương, hoạt động này được triển khai như thế nào?

Với định hướng nghiên cứu ứng dụng, một hướng lớn của trường Đại học Ngoại thương là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Trong đó, Nhà trường xác định chuyển giao các mô hình, phương thức, công cụ quản lý, quản trị tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp là một trong những thước đo quan trọng đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà trường.

Cùng với đó, Nhà trường đã ban hành các quy định, chính sách, đặc biệt chú trọng đầu tư cho các hoạt động kiến tạo và chuyển giao các mô hình, phương pháp, công cụ quản trị hiện đại cho các DN. Ngoài ra, huy động các nguồn lực xã hội để tư vấn, hỗ trợ DN, xây dựng nhiều mô hình hợp tác với DN, ví dụ như: Diễn đàn hợp tác doanh nghiệp; Mô hình hợp tác với Công ty Rạng Đông; Mô hình hợp tác với Ngân hàng MBBank; Mô hình tư vấn các DN làng nghề… Hiện nay đang đánh giá để tổng kết một số mô hình hiệu quả nhất.

Đưa Trung tâm FIIS (Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU) vào hoạt động hiệu quả, thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, ươm tạo và hỗ trợ các DN khởi nghiệp; Tư vấn xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn marketing mở rộng thị trường cho nhiều DN; Đào tạo cho các cán bộ địa phương và DN các phương pháp, công cụ tìm kiếm, tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Với định hướng đưa kiến thức về năng suất chất lượng vào các chương trình đào tạo tại Đại học, cao đẳng nghề... nhằm giải quyết bài toán nhân lực về năng suất chất lượng từ "gốc" thay vì chỉ đào tạo "ngọn" tại DN sẽ mang lại lợi ích gì cho mục tiêu tạo nguồn nhân lực hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng trong giai đoạn tới?

Từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ đặt nặng việc đào tạo, tư vấn trực tiếp cho DN. Chủ doanh nghiệp và người lao động mới chỉ hiểu và triển khai một số vấn đề cụ thể, áp dụng một số mô hình, phương pháp, công cụ để tăng năng suất chất lượng. Còn vấn đề năng suất chất lượng chưa trở thành văn hóa của doanh nghiệp. Nhận thức về năng suất chất lượng của phần lớn chủ doanh nghiệp và người lao động còn hạn chế. Cùng với đó, kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với vấn đề năng suất chất lượng còn nhiều vấn đề đặt ra.

Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải giải quyết vấn đề từ gốc, để văn hóa năng suất chất lượng phải thấm đẫm trong mọi DN, mọi người lao động và vấn đề năng suất chất lượng không còn chỉ là vấn đề của chủ doanh nghiệp hoặc một vài quản lý mà vấn đề năng suất chất lượng phải là vấn đề của mỗi người lao động ở bất kỳ vị trí nào. Quan trọng nhất là mọi người lao động đều có nhận thức, thái độ, năng lực, kỹ năng cần và đủ để giúp tăng năng suất chất lượng của DN và hệ thống. Do vậy, việc đào tạo nhận thức, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về năng suất chất lượng cần phải tiến hành từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề… và xa hơn nữa là từ các trường phổ thông.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Liên quan đến đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng, Viện Năng suất Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu “Đào tạo chuyên gia về Lean six Sigma đai vàng, đai xanh, đai đen cho các doanh nghiệp và cán bộ tư vấn năng suất chất lượng tại các tổ chức sự nghiệp của các bộ, ngành và địa phương năm 2017-2018” thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao Năng suất và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Qua đó, chương trình đã đạt được kết quả đáng kể như: Đào tạo 225 chuyên gia Lean 6 Sigma đai vàng cho 50 tổ chức/doanh nghiệp; Đào tạo 111 học viên chuyên gia Lean 6 Sigma đai xanh cho 20 tổ chức/doanh nghiệp; Đào tạo 25 học viên chuyên gia Lean 6 Sigma đai đen cho 08 tổ chức/doanh nghiệp.

Chọn mua bình nước nóng an toàn, tiết kiệm đơn giản đến bất ngờ(VietQ.vn) - Chọn được bình nước nóng an toàn và tiết kiệm năng lượng, bạn sẽ không lo chập cháy, điện giật lúc đang tắm hay sợ “đau ví” lúc thanh toán hóa đơn điện mùa đông.

 Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang