Hình phạt nào cho người mẹ bỏ rơi con sơ sinh trong túi nilon để kiến bâu?

author 06:45 21/03/2016

(VietQ.vn) - Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định, ném, vứt, bỏ rơi con sơ sinh là một hành vi nguy hiểm cho xã hội, vừa vi phạm đạo đức xã hội, vừa vi phạm pháp luật.

Nếu trẻ tử vong, mẹ phải chịu tội "Giết con mới đẻ"

Vừa qua, người dân ở Đồng Nai phát hiện một cháu bé sơ sinh bị bỏ lại bên vệ đường trong một túi nilon màu đen. Cháu bé được phát hiện trong tình trạng còn dính cả nhau thai được quấn trong hai chiếc áo ấm đã cũ. Đau lòng hơn, trên người bé đang bị kiến bu lại cắn khiến cháu khóc oe oe.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) bức xúc: "Trước hết, theo tôi, hành vi ném, vứt, bỏ rơi con là một hành vi nguy hiểm cho xã hội, vừa vi phạm đạo đức xã hội, vừa vi phạm pháp luật.

Điều 4, 6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”.

Mặt khác, theo Luật Hôn nhân và Gia đình thì cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”.

Do vậy, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm thì hành vi vứt bỏ con sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự".

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp

Bàn về tình huống đứa trẻ có thể bị thương hoặc tử vong từ hành động vứt bỏ của người mẹ, luật sư Cường cho biết: "Nếu hành vi vứt bỏ con với lỗi cố ý dẫn đến đứa trẻ bị thương tích thì tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm người thực hiện hành vi có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS hiện hành.

Nếu hành vi vứt bỏ con dẫn đến đứa trẻ bị chết thì xảy ra các trường hợp sau:

Thứ nhất, trường hợp đứa trẻ chưa được 7 ngày tuổi mà người mẹ hành vi đem vứt đứa trẻ với mong muốn đứa trẻ sẽ chết hoặc có thể thấy trước được hậu quả đứa trẻ có thể bị chết những vẫn để mặc hậu quả xảy ra dẫn đến đứa trẻ bị chết thì có thể bị truy tố về tội Giết con mới đẻ theo Điều 94 BLHS hiện hành. Tùy thuộc vào mức độ phạm tội, hành vi này có thể phải chịu phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Thứ hai, trường hợp đứa trẻ trên 7 ngày tuổi hoặc trường hợp đứa trẻ bị chết do lỗi vô ý của người mẹ. Trường hợp này, hành vi đem con vứt bỏ dẫn đến hậu quả con bị chết có thể phạm tội Giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự) hoặc phạm tội vô ý làm chết người (Điều 98 Bộ luật hình sự)".

Cần có chế tài nghiêm khắc hơn

Nói về việc hiếm có ông bố, bà mẹ nào bị truy tố về hành vi vứt bỏ con đẻ của mình, ông Cường chia sẻ: "Dù pháp luật hiện hành có khá nhiều điều luật nhằm bảo vệ trẻ em nhưng do các quy định chưa được tuyên truyền phổ biến rộng rãi, chế tài chưa đủ mạnh, các cơ quan tố tụng chưa làm hết sức mình, quy định của luật có nhiều thiếu sót dẫn đến không áp dụng được trên thực tế...

Có thể thấy, hầu hết những bà mẹ vứt bỏ con khi đứa trẻ vừa mới sinh ra đều là những người có độ tuổi còn rất trẻ và gần như không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự.

Họ suy nghĩ đơn giản rằng không nuôi được thì để con trước cổng bệnh viện, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi... thì sẽ có người chăm sóc mà không nhận thức được rằng hành vi vứt bỏ con của mình có thể đe dọa đến sức khỏe thậm chí tính mạng của đứa trẻ".

Cháu bé được người dân Đồng Nai phát hiện trong tình trạng bị kiến bâu trong túi nilon

Từ đó, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: "Để giảm thiểu những trường hợp đau lòng có thể xảy ra, theo tôi, trước hết, cần phải tuyên truyền phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật liên quan đề mọi người có thể nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi vứt bỏ con và chế tài xử lý đối với hành vi nêu trên.

Một trong những vấn đề quan trọng nữa phải làm là hạn chế lối sống lệch lạc, các tệ nạn trong xã hội nhất là đối với trẻ vị thành niên.

Về mặt quy định pháp luật thì cũng cần có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi vứt bỏ con. Đồng thời, cần đưa những quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này vào thi hành trên thực tế.

Bên cạnh đó mỗi người phụ nữ cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi mang thai.

Để sinh ra những đứa con, người phụ nữ phải rất vất vả mang nặng đẻ đau. Do đó, khi đứa con của mình ra đời, người mẹ nên nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với nó. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái không phải là thiên chức mà còn là trách nhiệm của mỗi người mẹ".

Điều 22 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013  cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cụ thể, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 22: Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;

b) Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 94: Tội giết con mới đẻ

Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Theo Điểm b Điều 1 Chương II, Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thì “Con mới đẻ là đứa trẻ mới sinh ra trong bảy ngày trở lại”.

Thanh Yến

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang