'Hô biến' thực phẩm chức năng Zawa thành thuốc chữa bệnh để lừa dối người tiêu dùng

author 10:41 04/06/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng sản phẩm Zawa do Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa lại được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh, nhiều nội dung thông tin quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục...

Thực phẩm chức năng bỗng dưng biến thành thuốc chữa bệnh

Thời gian qua, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) Zawa quảng cáo không đúng quy định, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Theo phản ánh, sản phẩm thực phẩm chức năng Zawa hiện đang được quảng cáo, phân phối rộng rãi trên rất nhiều các trang website, mạng xã hội Facebook. Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa phân phối, chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.

Zawa được Locifa giới thiệu “là sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cường sinh lý nam giới dạng nước đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ hiện đại Nhật Bản”.

Zawa được quảng cáo như một loại thuốc có khả năng "điều trị" tình trạng yếu sinh lý. 

Mặc dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng trên một số website, Zawa được quảng cáo có tác dụng “điều trị” các bệnh như yếu sinh lý, bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực, thúc đẩy ham muốn tình dục. Sản phẩm Zawa cũng được “vẽ” thêm nhiều công dụng như giúp giảm stress, giúp tập trung và minh mẫn hơn, làm chậm quá trình mãn dục nam, giúp cơ thể cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng mệt mỏi, hỗ trợ và điều hòa đường huyết…

Không dừng lại ở đó, thực phẩm chức năng Zawa còn được quảng cáo với hàng loạt những từ ngữ dung tục, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Tại Điều 7 Luật quảng cáo 2012 quy định rõ những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, trong đó có các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

Tại Khoản 2 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục. Bên cạnh đó còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi vi phạm.

Thông tin nhà sản xuất mập mờ, không đồng nhất

Được biết, theo giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm 2135/2020/DKSP của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thì Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ZAWA do Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Syntech – nhà máy Hải Dương (địa chỉ Lô CN3, Cụm CN Ba Hàng, TP Hải Dương) sản xuất; được công bố bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Locifa (địa chỉ P204 tầng 2 Số 86 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội).

Đơn vị sản xuất ghi trong giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm không trùng khớp với địa chỉ trên nhãn sản phẩm.

Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm này lại thể hiện đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Dược phẩm Napharco (địa chỉ đường D1, khu CN Yên Mỹ 2, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); Công ty Cổ phần dược phẩm Locifa là thương nhân chịu trách nhiệm phân phối.

Như vậy, có thể thấy, sản phẩm thực tế bán ra thị trường có tên nhà sản xuất không đúng với bản đăng ký số 2135/2020/ĐKSP do Cục An toàn thực phẩm cấp. Vì nếu đúng như nội dung công bố, Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Syntech – nhà máy Hải Dương mới là công ty sản xuất, nguồn gốc của sản phẩm Zawa.

Còn theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Đối chiếu với những quy định trên, có thể thấy, các đơn vị quảng cáo, phân phối sản phẩm Zawa đang cố tình vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng để trục lợi.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang