Hồ Chí Minh và bài học ‘dùng người’ còn mãi với thời gian

author 06:16 02/09/2015

(VietQ.vn) - Cách dùng người của Bác Hồ thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả. 70 năm đã trôi qua, những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc. Với tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt được tình hình thế giới, đánh giá đúng thời cơ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã xây dựng lực lượng và lãnh đạo quân, dân cả nước tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, rất nhiều bậc trí thức, các học giả, kể cả giáo sỹ, quan lại, cho đến những ông vua đã thoái vị như Bảo Đại đã được Bác Hồ cảm hóa và vận động tham gia chính quyền cách mạng. Cách dùng người của Bác Hồ thể hiện thái độ trọng thị, tầm nhìn minh triết, lòng nhân ái bao la và tư tưởng đại đoàn kết cao cả. 70 năm đã trôi qua, những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay.

Trong khuôn khổ buổi giao lưu trực tuyến, Báo điện tử VOV đã  cho bạn đọc thấy rõ hơn tài dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua chủ đề “Cách mạng Tháng Tám và bài học về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trọng dụng nhân tài, Hồ Chí Minh ra văn bản “Tìm người tài đức”

Nói đến vai trò của cá nhân, của nhân tố con người trong thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, PGS Nguyễn Trọng Phúc nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là cuộc cách mạng điển hình về giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20.

Cuộc Cách mạng ấy đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị từ 1930, thậm chí, Bác chuẩn bị con người từ 1920 khi mở những lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc). Sau này, trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc trực tiếp từ 1939-1945, Bác Hồ đã hết sức quan tâm đến nhân tố con người, đào tạo cán bộ trực tiếp cho cuộc Cách mạng.

Sự chuẩn bị cán bộ trước hết nói từ cấp Trung ương. Từ khi Bác Hồ về nước ngày 28/1/1941, Hội nghị Trung ương 8 đã quy tụ những đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta lúc đó, trải qua thử thách của nhiều cao trào cách mạng trước để hình lên đội ngũ lãnh đạo trung kiên của Đảng, của dân tộc.

Đến khi trực tiếp nổ ra cuộc Cách mạng Tháng 8, ở cấp Trung ương, chúng ta đã có những nhà lãnh đạo lỗi lạc, cùng với Hồ Chí Minh như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt… và nhiều đồng chí khác ở cấp chiến lược.

Cho đến quyết định khởi nghĩa tháng 8, ban lãnh đạo tối cao có vai trò quyết định trong việc phát động phong trào cũng như dự báo tình hình và trực tiếp chỉ đạo cụ thể. Đặc biệt là sau Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào vào 14-15/8/1945.

Khi nói đến nhân tố con người, ngoài cấp chiến lược – cấp Trung ương, PGS Nguyễn Trọng Phúc đặc biệt nhấn mạnh đến những người lãnh đạo cụ thể ở các cấp xứ ủy, tỉnh ủy, thành ủy. 

“Ở đây, trong giờ phút kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 này, chúng ta biết rằng, lịch sử là do nhân dân làm ra, nhưng cũng có vai trò của con người cụ thể”, PGS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Hồ Chí Minh và bài học ‘dùng người’ còn mãi với thời gian

Bài học "dùng người" của Bác mang giá trị thời đại

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một văn bản với tiêu đề “Tìm người tài đức”. Văn ban hành  là vậy nhưng theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tìm người tài đức thực chất đã có từ rất sớm. Đảng và Bác Hồ đã quan tâm đến nhân tố con người và coi rằng đây là yếu tố quyết định, nên đã đề ra chủ trương lựa chọn người có đức, có tài để tham gia bộ máy Nhà nước trong lúc chính quyền còn non trẻ.

Từ chủ trương đó, Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn đúng và đặt đúng nhân sự vào từng cương vị, vị trí cụ thể và họ đã đảm đương chức vụ kéo dài trong nhiều năm.

“Bác Hồ đã rất quyết đoán trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ và việc lựa chọn, sử dụng người của Bác Hồ có tầm chiến lược lâu dài và sắc sảo.

Phải nói là, văn bản này thể hiện việc coi trọng con người vừa có đức, vừa có tài. Như Bác từng nói: “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Nhưng ngược lại, có tài mà không có đức thì vô dụng”. Bác kết hợp hài hòa cả hai nhân tố đó trong việc lựa chọn người ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công và xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ...”, PGS.TS Đinh Xuân Thảo đánh giá.

Hơn nữa, trong giai đoạn đầu thành lập nước, mặc dù chính quyền vừa được thành lập còn rất non trẻ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh dám dùng cả những quan chức cấp cao của Triều đình Huế, của Chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định, “vua Mèo”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kiên trì hai lần gửi điện mời nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng từ Huế ra Hà Nội làm Bộ trưởng Nội vụ. Điều này khiến nhiều người lo ngại. Thế nhưng, PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, Bác Hồ là người mạnh dạn trong sử dụng cán bộ, sử dụng nhân tài, việc này cũng là kế thừa truyền thống dân tộc. Dân tộc ta hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước có truyền thống coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, như vua Quang Trung sau này cũng đã nói: Dựng nước thì lấy việc học làm đầu. Cho nên những người có học vấn, có trình độ cao, được Bác Hồ rất chú trọng.

“Chúng ta cũng thấy hiếm có cuộc cách mạng nào như cuộc Cách mạng tháng Tám sử dụng nhiều nhân tài, kể cả lúc giành chính quyền và sau khi lập chính quyền. Sau khi lập chính quyền còn tiếp tục mở rộng thành phần trí thức và các lực lượng tích cực tham gia vào sự nghiệp kiến thiết đất nước. Và cũng hiếm có cuộc cách mạng nào mời cả Vua làm cố vấn tối cao như mời Vua Bảo Đại”, PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc nói.

Ngoài ra, khi mở rộng thành phần Chính phủ, kể cả Chính phủ chính thức sau ngày 2/3, những nhân vật của chính quyền cũ được tham gia rất nhiều. Như 3 nhân vật Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim như Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Anh vốn là Bộ trưởng Bộ Thanh Niên (trong Chính phủ Trần Trọng Kim), Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo. Hay như quan khâm sai đại thần Phan Kế Toại, sau này cũng tham gia Chính phủ và đi với Chính phủ đến cùng, sau này làm Phó Thủ tướng.

“Nhìn lại tất cả những nhân vật, chúng ta thấy tinh thần nổi bật ở Hồ Chí Minh là bất kỳ người nào dù xuất thân ở tầng lớp, vị trí trong chế độ cũ như thế nào nhưng thật sự yêu nước, mang hết tài đức để đóng góp cho sự phát triển, bảo vệ và xây dựng đất nước thì cụ Hồ đều mời hợp tác một cách chân thành chứ không hề có ý là sách lược, sử dụng tạm thời”, PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh thêm.

Đồng tính với ý kiến trên, ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng: Bác Hồ đã để lại bài học lớn về sử dụng nhân tài, sử dụng con người.

“Tại sao Bác lại làm được điều đó? Điều đó xuất phát từ mục tiêu cách mạng thời đại, quan trọng nhất, tập trung nhất là giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc. Khẩu hiệu giành độc lập dân tộc đã tập hợp được quảng đại quần chúng kể cả các tầng lớp trên, kể cả những người tham gia guồng máy cai trị của chế độ thực dân.

Cụ thể những con người mà Bác đã lựa chọn và tiến cử vào bộ máy lãnh đạo của Trung ương thì đối với những quan lại cũ thì đó là những người làm việc liêm khiết, không để lại tai tiếng đối với nhân dân. Nhân dân biết điều đó, thông tin đến cụ Hồ để Bác có cơ sở tiến cử và đưa họ lên những vị trí lãnh đạo cũng như sử dụng họ.

Còn những nhân vật tôn giáo, đại diện cho các dân tộc đó cũng là những người yêu nước, rất xứng đáng để giao cho họ những trọng trách trong Chính phủ mới...” - ông Lê Quang Thưởng nói.

Tướng Giáp – học trò điển hình

Nói đến việc trọng dụng người tài của Bác, không ai có thể quên không nhắc đến Đại tướng của lòng dân Võ Nguyên Giáp. Từ một thầy giáo dạy Sử, ông đã được Bác Hồ trọng dụng và sau trở thành Vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nói về vị Đại tướng này, PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc cho biết: Ông là người yêu nước nhiệt thành và ngay từ thời trẻ đã sớm đi vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1927, Đại tướng đã tham gia vào tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng- 1 trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và được tiếp cận với những tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Với những giác ngộ cách mạng như vậy, vào đầu những năm 30, Võ Nguyên Giáp trở thành người giác ngộ theo lý tưởng của Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc. Sau này khi ra Hà Nội, ông vừa hoạt động công khai, vừa dạy học nhưng bí mật lại là hoạt động cho Đảng.

Mùa xuân Canh Thìn, sau ngày Tết, Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc để liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc với Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh là bước ngoặt trong nhận thức của Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng và gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc.

Sau khi Bác Hồ trở về nước 28/1/1941, đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp cũng trở về theo sự chỉ đạo của Bác, lúc đó nước Pháp đang rơi vào tay quân Đức nên Bác nói đây là cơ hội tốt để chúng ta trở về giành độc lập. Lúc đó lẽ ra đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Bác cử đi học ở Diên An, sau đó ở Liên Xô nhưng phải hoãn việc đi học để trở về nước. Từ đó, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1941 cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Võ Nguyên Giáp luôn là người học trò tin cậy, gần gũi nhất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Đến khi Cuộc cách mạng tháng Tám nổ ra, cũng là lúc Bác Hồ đặt tất cả sự tin cậy vào người học trò của mình, không những về phẩm chất chính trị, phẩm chất của người cộng sản mà ở các tinh thần yêu nước, tiêu biểu cho một lực lượng trí thức cách mạng lúc đó. Bác Hồ đã chính thức giao cho Võ Nguyên Giáp việc xây dựng lực lượng vũ trang, lãnh đạo Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Hồ Chí Minh và bài học ‘dùng người’ còn mãi với thời gian

Người học trò mang tên Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó vận mệnh dân tộc trong tay

Nhấn mạnh thêm lời dặn dò của Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại căn cứ địa Tân Trào vào tháng 8/1945, PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc nói: “Lúc này thời cơ ngàn năm có một, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lúc đó Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng đã ngồi để thảo luận tình hình trong nước và quốc tế.

Trong nước, cao trào cách mạng phát triển tới đỉnh cao, tổ chức Đảng sẵn sàng đưa quần chúng vào nhiệm vụ cách mạng. Tình hình quốc tế dồn dập sau thất bại của Đức, Hội nghị Potsdam tháng 7/1945, trước đó là Hội nghị Tehran năm 1943, rồi Hội nghị San Francisco…, phân tích tình hình trong nước và quốc tế để đi đến quyết định.

Lúc đó Bác đã để ý tới 2 nguy cơ lớn, thời cơ có thể đã xuất hiện giành được thắng lợi nhưng phải nhanh chóng để đẩy lùi 2 nguy cơ lớn, Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh đã thống nhất được nhận thức về 2 nguy cơ này và ghi vào Nghị quyết của Hội nghị Đảng toàn quốc họp tại Tân Trào.

Nguy cơ thứ nhất là Pháp lợi dụng Nhật thất bại có thể quay lại áp đặt chế độ cai trị như trước ngày 9/3 – ngày Nhật đảo chính Pháp. Đấy là nguy cơ lớn nhất, và sau này Pháp quyết tâm làm việc đó, xâm chiếm Nam bộ sau ngày độc lập. Nguy cơ thứ hai, là quân Anh và quốc dân đảng Trung Hoa kéo vào để giải giáp theo Hội nghị Potsdam, từ Đà Nẵng trở vào là quân Anh, từ Đà Nẵng trở ra là quân Tàu Tưởng, những thế lực này cũng có mưu đồ rất lớn.

Như trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc có nêu rõ họ có mưu đồ xâm chiếm nước ta, nếu chúng ta không giành chính quyền nhanh, với tư cách người chủ đất nước độc lập tiếp quân đồng minh, nguy cơ này xuất hiện sẽ gây nhiều khó khăn cho việc giành chính quyền.

Khi nói về Võ Nguyên Giáp, PGS-TSKH Nguyễn Trọng khẳng định: Lúc giành chính quyền, đây là một trong những người có bộ óc vĩ đại đã cùng với Bác Hồ để quyết định Tổng khởi nghĩa. Sau khi giành chính quyền, Võ Nguyên Giáp vẫn là người luôn ở bên cạnh Bác.

Trong cơ cấu chính phủ lâm thời, Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi cải tổ chính phủ lâm thời, Võ Nguyên Giáp thôi không làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chức đó Bác Hồ giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi đó Võ Nguyên Giáp không giữ bất cứ chức vụ nào trong bộ máy, sau này kháng chiến mới trở lại làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy vậy, ông vẫn là linh hồn cùng với Thường vụ trung ương cùng với Bác Hồ chỉ đạo sự nghiệp bảo vệ chính quyền cách mạng, củng cố chính quyền cách mạng, tiến hành cuộc kháng chiến thành công.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang