Nạo vét Hồ Gươm quy mô nhất trong 50 năm qua: Quy trình bảo vệ 'cụ rùa' như thế nào?

author 16:27 13/06/2017

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu, vẫn còn một số cụ rùa đang sống ở Hồ Gươm. Vì vậy, nạo vét thế nào để không ảnh hưởng tới hệ sinh thái ở đây là một vấn đề được các nhà khoa học và công chúng quan tâm.

Hồ Gươm ô nhiễm và cần được cải tạo

Liên quan đến vấn đề nạo vét hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm), ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hồ Gươm rộng 12ha, hiện nay nước hồ đang trong tình trạng mất khả năng làm sạch, nước bị ô nhiễm. Đặc biệt, lớp bùn lắng đọng của đáy hồ ngày một dày, gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật tại đây do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc.

Ngoài ra, mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ôxy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vật trong hồ từ nhiều năm nay. Trong khi đó, hồ Gươm đã lâu không được nạo vét, nhiều vị trí chỉ có 50cm nước là chạm đáy.

Chất lượng nước hồ ngày càng một suy giảm, độ pH luôn ở mức cao, từ 9,05 đến 9,46. Cặn lơ lửng trong hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở cả 5 vị trí quan trắc. Ngoài ra, hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép. Nước hồ ở một số vị trí bị đổi màu, không còn giữ được màu xanh đặc hữu.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm còn do lớp bùn dưới đáy hồ Hoàn Kiếm rất dày, có nơi lên đến hơn 1m, dẫn đến mực nước chỉ còn 0,5-08m. Do đó, thành phố đã giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai việc nạo vét bùn và làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm. Yêu cầu quan trọng là trong quá trình làm sạch, phải giữ được màu xanh đặc hữu của nước hồ.

 

Tiến hành lấy mẫu đánh giá tác động môi trường phục vụ công tác nạo vét hồ Gươm

Theo phương án được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra trước đó, Công ty dự kiến nạo vét tổng thể, thanh thải bùn, phế thải tồn đọng dưới đáy hồ, xử lý nước bằng chế phần Redoxy-3C. Mục tiêu đặt ra nhằm cải thiện môi trường nước, bảo tồn hệ thủy sinh, trở thành một khu vực cảnh quan môi trường đẹp của Thủ đô.

Cụ thể, tổng khối lượng nạo vét là 57.400 m3, diện tích khu vực nạo vét bùn hơn 97.455 m2. Phạm vi nạo vét phải đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7m. Công ty cũng đề xuất phương án duy trì mực nước thường xuyên khoảng 2m, nhằm bảo đảm độ lắng đọng nước.

Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện 8 giờ/ngày. Trong quá trình thi công bảo đảm an toàn lao động, hạn chế tiếng ồn, dọn dẹp vệ sinh trước khi kết thúc ngày làm việc. Khu vực đổ vật liệu nạo vét và phế thải là bãi C – Yên Sở, xã Yên Mỹ huyện Thanh Trì. 

Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, sau khi nạo vét xong sẽ để từ 4-5 tháng để môi trường hoàn nguyên rồi mới tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, phân tích thật kỹ lưỡng sau đó mới tính tới bước tiếp theo. Điểm đặc biệt phải chú trọng trong lần cải tạo này là bảo vệ màu xanh đặc hữu của hồ Hoàn Kiếm.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng cho biết thêm, hiện nay, thành phố đã cho ý kiến vào phương án nạo vét và làm sạch hồ của Công ty. Sau đó, phương án này cũng đã được Công ty chỉnh sửa lại. Tuy nhiên, vì hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt nên dự án làm sạch nước hồ sẽ phải lấy ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đó, phải thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường xét duyệt đánh giá tác động môi trường, sau đó trình Thành uỷ và lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Dự kiến, nếu có sự đồng thuận khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8/2017, đơn vị sẽ bắt đầu triển khai nạo vét và làm sạch hồ. Thời gian thi công dự kiến trong khoảng 120 ngày.

“Chúng tôi mới đây đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, tiến hành lấy mẫu đánh giá tác động môi trường phục vụ công tác nạo vét hồ Hoàn Kiếm. Đây là bước đầu tiên sau đó mới tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh phương án cải tạo hồ Gươm cụ thể" - ông Phạm Ngọc Toàn, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chia sẻ.

Cần bảo tồn đa dạng sinh học hồ Gươm

GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam cho biết, hồ Gươm là một hồ đặc biệt, vừa mang nhiệm vụ điều hòa khí hậu, vừa mang tính chất văn hóa – tâm linh và đa dạng sinh học, bảo vệ một số loài quý hiếm như Rùa hồ Gươm…

Hồ Gươm có giá trị sinh học rất lớn với nhiều loài đặc hữu, hồ có những loài tảo đặc hữu, 1 số loài tảo mà nơi khác không có. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chính nhờ những loại tảo đó mà sinh ra màu lục thủy của nước hồ như mọi người đang thấy. Đặc biệt, đây là nơi sinh sống của “cụ rùa”. Mặc dù “cụ” rùa hồ Gươm đã mất nhưng theo một số nghiên cứu thì hiện ở hồ vẫn còn một vài “cụ” rùa khác. Đây cũng là điểm đáng lưu ý dù chưa có số liệu cụ thể.

Theo GS Yên, để nước hồ sạch mà vẫn bảo tồn được các loài thì cần thực hiện hai việc: Phân tích chất lượng nước hồ và nên có điều tra, xây dựng dữ liệu về đa dạng sinh học ở hồ Gươm. Xem xét có những loài sinh vật nào hiện đang sinh sống và loài nào cần bảo tồn để có biện pháp can thiệp.

Trong những yếu tố can thiệp đầu tiên của cải tạo hồ phải là nạo vét đất bùn. Quá trình nạo vét tôi đề xuất cần thực hiện từ từ, dần dần từng bước một để không gây ảnh hưởng lớn. Đặc biệt cần chú ý, hồ Gươm có loài tảo lục rất quý nên khi nạo vét cần lấy một số giống tảo lục đem nuôi, khi nạo vét xong thì sẽ thả về hồ để duy trì hệ sinh thái.

TS Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản 1 cho rằng việc nạo vét phải có kế hoạch cụ thể và có tính toán một cách khoa học, đầy đủ. Cần chia ra làm nhiều đợt để hệ sinh thái có thể phục hồi trong quá trình nạo vét.

Liên quan đến vấn đề này, Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng cho biết, Công ty sẽ tiến hành thực hiện cẩn trọng, bước đầu sẽ dùng lưới để dồn các sinh vật, thủy sản có trong hồ về một phía sau đó sẽ tiến hành nạo vét từng ô. Tổng cộng 12ha mặt hồ sẽ được chia làm 10 ô để nạo vét cuốn chiếu từng ô. Đặc biệt, xung quanh phần kè hồ, khu vực Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn sẽ thực hiện nạo vét thủ công để bảo vệ khu vực chân kè.

Huy Hùng

ý

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang