Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA

author 13:05 05/06/2020

(VietQ.vn) - Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá hàng hóa xuất khẩu cũng như tham gia vào các chuỗi cung ứng; tuy nhiên, cùng với đó là những thách thức cần nhận diện để ứng phó.

Ngày 5/6/2020, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”. Đây là hội nghị có quy mô lớn, được tổ chức trực tiếp từ Hà Nội với điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) có trên 300 đại biểu tham dự. Đồng thời, hội nghị thực hiện trực tuyến tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trên 1.500 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sở, ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn.

 Hội nghị trực tuyến tập trung trao đổi về các lợi ích chiến lược và những điểm cần lưu ý đối với DNNVV để thực thi hiệu quả EVFTA

Hội nghị cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ- SMEs (DNNVV) trên cả nước đa dạng thông tin liên quan sát thực tới sự quan tâm và lợi ích của doanh nghiệp về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Toàn bộ nội dung chương trình hội nghị được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền thông của Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Với việc thực hiện hội nghị theo phương thức mới này, số lượng đông đảo các DNNVV trên cả nước sẽ có điều kiện tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến và tiếp cận dễ dàng, thuận lợi các thông tin quan trọng về EVFTA từ hội nghị.

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với Hiệp định EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Ngay trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%.

Theo đó, điều kiện cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong bối cảnh chung của thế giới mới vẫn đang tiếp tục toàn cầu hóa đồng thời phải đối mặt với rất nhiều biểu hiện của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại và hệ thống chính trị toàn cầu.

Việt Nam là nước đang phát triển, có tỷ lệ DNNVV chiếm 97%, do vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm. Hội nghị này cũng giúp xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc quán triệt và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hiệu quả việc thực thi Hiệp định EVFTA- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hội nghị tập trung trao đổi về các lợi ích chiến lược và những điểm cần lưu ý đối với DNNVV để thực thi hiệu quả EVFTA; các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng, và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU. Cùng đó, trao đổi về vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả EVFTA; định hướng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ DNNVV khai thác hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA và chia sẻ của các doanh nghiệp DNNVV về việc tận dụng cơ hội và dự phòng thách thức từ Hiệp định EVFTA.

Ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, qua hội nghị này, các DNNVV Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn về nội dung của Hiệp định EVFTA, những khía cạnh doanh nghiệp có thể khai thác và hưởng lợi từ hiệp định, cũng như những vấn đề cần lưu ý để có chiến lược, kế hoạch và hành trang sẵn sàng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong điều kiện thị trường và bối cảnh thương mại mới với Hiệp định EVFTA.

Hiệp định EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy,  EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu).

Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ.

Việc thực thi Hiệp định EVFTA sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định EVFTA cũng sẽ mang lại một số thách thức. Để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu Hiệp định EVFTA; chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản; Đặc biệt là cần hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của Hiệp định EVFTA và tiêu chuẩn cao của EU.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang