Hòa Bình: Lựa chọn bộ giống lúa thích hợp cho năng suất cao

author 19:43 22/02/2016

(VietQ.vn) - Các địa phương trong tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương làm đất và bắt đầu gieo mạ để sẵn sàng xuống giống đúng khung thời vụ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Báo Hòa Bình dẫn khuyến cáo của Sở NN &PTNT tỉnh Hòa Bình, các địa phương căn cứ khả năng thâm canh và điều kiện sinh thái của mỗi vùng để lựa chọn bộ giống lúa phù hợp, đảm bảo cơ cấu giống lúa hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất.

trồng lúa cho năng suất cao

Sở NN&PTNT khuyến cáo mỗi xã nên lựa chọn 2-3 giống chủ lực trên những chân ruộng chính.

Các giống lúa thuần được khuyến cáo sử dụng trong vụ chiêm - xuân năm nay gồm: Các giống tẻ như Thiên ưu 8, MĐ1, TBR45, TBR36, TBR225, BC15, Khang Dân đột biến... Các giống chất lượng cao như Bắc thơm số 7, thơm RVT, ĐS1, VS1... Các giống nếp như N97, N87, ĐN20, nếp địa phương... Các giống lúa lai được khuyến cáo ưu tiên sử dụng gồm: Việt lai 24, Việt lai 20, LS1, bồi tạp sơn thanh, TH3-3, TH3-4, TH3-5, Nhị ưu 838, GS9, Thục hưng 6, Syn6, Vân quang 14... Lưu ý những nơi thường nhiễm rầy nặng hạn chế dùng những giống mẫn cảm như  Nhị ưu 838, TH3-3, TH3-4... Những khu vực thường xuyên nhiễm đạo ôn cần hạn chế cấy các giống lúa mẫn cảm với bệnh như BC15, CR203...

Về cơ cấu các trà lúa, trà chiêm - xuân nên sử dụng các giống Xi23, Xi21, Đài bắc 8, ĐS1... Trà xuân chính vụ nên sử dụng các giống: Syn6, Khang dân 18, Q5, nếp 97, Nhị ưu 838, GS9, Thục hưng 6, VS1, GL105... Trà xuân muộn nên sử dụng các giống Thiên ưu 8, MĐ1, TBR45, TBR225, BC15, Thơm RVT, Bắc thơm 7, Khang dân đột biến, Nhị ưu 838, TH3-3, TH3-4, TH3-5...

Đáng ghi nhận là năng suất lúa của tỉnh những năm gần đây luôn ở nhóm đầu trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đặc biệt, năng suất lúa vụ chiêm - xuân ổn định ở mức khá cao, đạt trên 55 tạ /ha. Nhờ đó, sản lượng thóc của tỉnh luôn đạt trên 20 vạn tấn /năm, bình quân sản lượng thóc đạt trên 230 kg /người/năm. Với sản lượng như vậy đã cơ bản đáp ứng an ninh lương thực  trong tỉnh.

Thực tế cho thấy, việc giữ đa dạng bộ giống lúa có vai trò quan trọng trong việc giữ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nếu khâu tổ chức sản xuất không tốt sẽ dẫn đến tình trạng có quá nhiều giống trên cùng một địa bàn, một cánh đồng. Đây là điều cản trở để áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, tại những khu vực lúa trọng điểm, trên mỗi cánh đồng chỉ nên bố trí 2-3 giống chủ lực.

Những giống này cần có thời gian sinh trưởng tương đương nhau để thuận lợi cho canh tác, cơ giới hóa và chỉ đạo phòng trừ dịch hại. Chính vì vậy, chỉ đạo sản xuất vụ chiêm - xuân năm nay, Sở NN &PTNT tiếp tục khuyến cáo các địa phương cần căn cứ khả năng thâm canh và điều kiện sinh thái của mỗi vùng để lựa chọn bộ giống lúa thích hợp. Mỗi xã nên lựa chọn 2-3 giống chủ lực trên những chân ruộng chính. Căn cứ đặc điểm sinh trưởng của từng giống bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp để lúa trỗ vào thời kỳ an toàn và cho năng suất cao. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định hiệu quả sản xuất.

T.Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang