Hóa chất "biến" thịt thối thành thịt tươi

author 17:57 16/01/2014

Càng gần đến Tết, cơ quan chức năng càng phát hiện nhiều vụ vận chuyển, giết mổ heo chết. Thịt heo chết làm sao bán cho người tiêu dùng? Vậy mà gian thương vẫn làm được.

Mua heo chết giá rẻ, xử lý hóa chất để trông như thịt tươi và bán giá cao, gian thương kiếm lời khẳm trên sức khỏe người tiêu dùng.

Thịt heo chết ồ ạt tung ra thị trường

Vào ngày 25/12/2013, công an kinh tế huyện Trảng Bom trong quá trình theo dõi đã phát hiện hộ ông Thân Thanh Bình ở ấp Tân Bình, xã Bình Minh thu mua 10 con heo chết (tương đương 400 kg) mang về nhà để chuẩn bị giết mổ. Khi bắt quả tang thì số heo chết này đã bị móc hết nội tạng.

Không chỉ huyện Trảng Bom mà ở huyện Thống Nhất nằm sát bên, ngày 11/1/2014, Đội QLTT số 1 (thuộc Chi cục QLTT Đồng Nai) cũng phát hiện cơ sở giết mổ heo do bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc (32 tuổi) làm chủ tại ấp Võ Dõng 2, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất "tàng trữ" trên 600 kg thịt và nội tạng heo được ướp trong nhiều thùng xốp bốc mùi hôi thối.

Ngoài ra, tại cơ sở này còn 3 con heo chết đang được giết mổ. Bước đầu, bà Ngọc khai nhận: Hàng ngày, cơ sở này đi thu mua heo chết từ các trang trại trong vùng với giá đổ đồng 10 ngàn/kg, sau đó mang về giết mổ và đưa đi tiêu thụ tại địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

Trước đó, ngày 5/1, cũng Đội QLTT số 1 khi kiểm tra cơ sở giết mổ heo ở ấp Phúc Nhạc 1, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất do ông Nguyễn Vương (34 tuổi) làm chủ đã phát hiện cơ sở này đang giết mổ heo chết. Số lượng heo và nội tạng bị phát hiện lên đến hơn 400kg. Ông Vương khai nhận mua số heo bệnh, heo chết từ các hộ chăn nuôi mang về xẻ thịt rồi bán cho các cơ sở làm "heo quay".

Tại TP.HCM, chỉ riêng trong năm 2013, lượng "thịt thối" vào thành phố nhiều tới mức chỉ riêng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc, TP.HCM đã phát hiện gần 300 trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật có vi phạm.

Trong đó, nhiều trường hợp kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật biến chất, bốc mùi hôi thối. Điển hình ngày 24/12/2013, Trạm phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc, phát hiện xe du lịch 16 chỗ, do ông Phạm Quốc Huy (quận 8, TP.HCM) vận chuyển thịt heo chết từ Trảng Bom, Đồng Nai về TP.HCM tiêu thụ.

Mua heo chết về móc nội tạng xẻ thịt, ngâm hóa chất rồi đem tiêu thụ


Số heo chết được xác định là 550 kg, đựng trong tám bao tải để trên sàn xe và không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đây cũng là lần thứ ba trong năm 2013, Trạm phát hiện ông Huy vận chuyển thịt heo thối từ Trảng Bom vào TP.HCM tiêu thụ.

Bí quyết kinh doanh thịt thối

Theo hướng dẫn của một cán bộ thú y địa bàn, chúng tôi có dịp tiếp xúc với bà V, chủ một cơ sở giết mổ thịt heo lậu (nay đã giải nghệ) nằm trên địa bàn xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Bà V tiết lộ, làm nghề giết mổ lậu muốn "ăn" dày phải thu mua lẻ tẻ heo bệnh, heo chết của bà con chăn nuôi trong vùng. Trong khi giá heo hơi sống là 47 ngàn đồng/kg thì heo bệnh giá chỉ bằng 1/3, còn heo chết giá lại càng rẻ hơn nữa, chỉ 8.000-10.000đ/kg. Thế nhưng, thịt heo chết thường bị tím tái, chứ không tươi đỏ như thịt heo sống. Vậy, làm thế nào để bán được loại "thịt ươn" nói trên?

Bà V bật mí bí quyết: “Sau khi mang heo chết về trước tiên phải cho móc hết nội tạng, sau đó xẻ mảnh rồi ngâm vào thứ bột giống như bột năng, không mùi. Theo kinh nghiệm, nếu heo chết 1 ngày thì 1 tạ thịt ngâm 1 kg loại bột nói trên. Còn heo chết từ 2 ngày trở đi thì pha "nặng đô" hơn, có khi 2- 3kg bột cho 1 tạ thịt. Nhờ tác dụng của loại bột này, dù là thịt ôi nhưng vẫn không bốc mùi. Màu thịt trông vẫn tươi, sáng. Thịt xử lý xong có thể đem đi bỏ mối ở các chợ lẻ và các cơ sở sản xuất chà bông".

Bột tẩy từ thịt thối sang thịt tươi (25 ngàn/kg), thực chất là Na2SO3

 


Theo ông Nguyễn Trung Thành, Trạm phó Trạm Thú y huyện Trảng Bom, trên địa bàn huyện hiện có 24 cơ sở giết mổ có giấy phép đăng ký kinh doanh, trong đó tỉnh quản lý 5 cơ sở, huyện quản lý 19 cơ sở. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở giết mổ chui khác không thể nắm hết được.

"Đây là các lò gia đình với qui mô giết mổ khoảng chục con heo trở xuống. Họ thường mua heo bệnh, heo chết về giết mổ, rồi sử dụng hóa chất ngâm tẩm, sau đó đem ra thị trường tiêu thụ. Khi bị phát hiện, họ khai là bán cho các trang trại nuôi cá sấu (!?)”, ông Thành nói. Mặt khác, do không đủ bằng chứng việc bán thịt heo chết ra thị trường nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt các cơ sở giết mổ chui này mấy triệu đồng rồi thôi!

Điểm danh hóa chất "tẩy" thịt thối

Trong vai một thương lái cần mua thứ bột màu trắng nhằm xử lý thịt thối, chúng tôi đến chợ hóa chất Kim Biên. Một nhân viên ở sạp Xuyến cho biết đó là "lưu huỳnh" (SO2). Thấy tôi thắc mắc SO2 là chất khí thì cô nhân viên này xẵng giọng: "Đã bảo là lưu huỳnh, người ta mua hà rầm, không mua thì thôi. Đây là bột ngâm rửa thịt ôi giá 25.000 đồng/kg. Còn xuất xứ của ai thì không biết!".

Trao đổi với một số người am hiểu về hóa chất, loại bột này có thể là natri sunfit (Na2SO3). Trên thị trường, chúng được đựng trong bao 50kg ghi nhãn tiếng Trung Quốc. Các chủ sạp đóng gói lại trong bao nylon loại 1kg để bán lẻ cho khách hàng. "Khách hàng ở đây quen rồi, có người mua cả tạ, trong dịp gần Tết như hiện nay thì bán được nhiều hơn. Loại bột này không mùi, dễ sử dụng, ăn vào cũng không độc (!)", một người bán hóa chất ở chợ Kim Biên nói.

Trong khi đó, TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng Khoa công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, có 3 hợp chất có tính chất tương tự nhau là Na2SO3 (sodium sulfite hoặc natri sulfite); NaHSO3 (sodium bisulfite hoặc natri bisulfite) và Na2S2O5 (sodium metabisulfite hoặc natri metabisulfite). Cả 3 chất này có tác dụng tương tự nhau. Đó là khi ngâm với nước, chúng phóng thích ra khí SO2. Khí SO2 đóng vai trò như chất tẩy, làm sạch mùi hôi thối của thực phẩm.

"Hiện nay, tôi không rõ các chất này có nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế hay không? Chỉ biết là chúng đã được dùng trong thực phẩm, cụ thể như NaHSO3 mã số là E222; Na2S2O5 mã số là E223. (Mã số E là mã số các phụ gia thực phẩm của khối EU). Nhưng liều lượng cơ thể chấp nhận được là 0,7 mg/kg trọng lượng cơ thể. Nếu sử dụng nhiều thì chỉ có nguy cơ gây dị ứng cho người mẫn cảm và đặc biệt nguy hại cho những người có bệnh hen suyễn" - TS Đồng nói.

TS Đồng giải thích thêm, các hóa chất nói trên không có hoặc có rất ít khả năng tiêu diệt được vi khuẩn cũng như những độc tố của nó sinh ra. Chúng chỉ có thể tẩy màu và khử mùi của thịt thối để trông như thịt tươi.

Dù được xử lý bằng hóa chất, thịt thối cũng nhạt nhẽo và bở. Tuy nhiên, nếu thêm hương liệu, màu, hàn the và gia vị, thịt thối được chế biến vẫn đẹp, thơm nhằm đánh lừa cảm quan của người tiêu dùng. Nhưng nếu tinh ý, sẽ nhận ra sự khác biệt so với thịt tươi chế biến. Nên nhớ, việc nấu nướng thịt thối đã qua xử lý bằng hóa chất sẽ không tiêu diệt hết mầm bệnh nhưng có nguy cơ gây ngộ độc cao.

Trong năm 2013, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai có quyết định cách chức Trạm phó Thú y huyện Trảng Bom của ông Nguyễn Đắc Đoàn do có hành vi đóng dấu và cấp phép chứng nhận kiểm dịch cho heo lậu thành "heo sạch" để vận chuyển đi tiêu thụ tại TP.HCM

Gần đây, có thông tin cho rằng sulfur dioxide (SO2) được sử dụng trong việc tẩy thịt thối. Thực chất đây là chất bảo quản chủ yếu sử dụng cho rau quả trong việc tẩy uế, khử trùng, còn trong thịt thối nó chỉ có vai trò "khử mùi".

Còn natri sunfit (Na2SO3) đang có bán trên thị trường cũng là chất dùng để chống hóa nâu trong rau quả, trong bảo quản thịt cũng chỉ có tác dụng "tẩy" màu, nên các nhà khoa học khuyến cáo không sử dụng, bởi nó chủ yếu là "che giấu" độ thối của thịt chứ không làm hạn chế việc thối thịt.

Tuy nhiên, dù có trong danh mục nhưng chỉ sử dụng ở nồng độ nhất định, nếu vượt qua giới hạn thì sẽ gây hại.

              (ThS Hóa học Nguyễn Minh Phúc, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM)

Đỗ Quyên - Theo NNVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang