Hóa chất thúc đẩy nảy mầm giá đỗ: Cục bảo vệ thực vật nói gì?

author 15:12 19/11/2013

Xung quanh việc cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại hóa chất thúc giá đỗ nẩy mầm nhanh, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV.

Sự kiện: Hóa chất trong thực phẩm

* Thưa ông, được biết sau khi bắt giữ 80 nghìn tuýp thuốc mà đối tượng vận chuyển khai là thuốc kích thích giá đỗ, CA TP Hà Nội đã chuyển mẫu vật sang Cục BVTV để xét nghiệm xem đó là chất gì. Kết quả cụ thể ra sao?


- Sau khi bắt giữ lô hàng, PC49 Công an TP Hà Nội có liên hệ với tôi để thông báo sự việc, đồng thời đã đề nghị Cục BVTV phối hợp, giới thiệu đơn vị xét nghiệm thuốc BVTV có uy tín nhằm xét nghiệm xem 80 tuýp thuốc mà chủ hàng khai là thuốc kích thích giá đỗ thực chất có hoạt chất gì, độc hại ra sao. Sau đó, chúng tôi đã giới thiệu cho PC49 gửi mẫu sang Trung tâm Kiểm định và Khảo kiểm nghiệm thuốc BVTV phía Bắc (thuộc Cục BVTV) để đơn vị này xét nghiệm.

Tuy nhiên, hiện tại, Trung tâm Kiểm định và Khảo kiểm nghiệm thuốc BVTV phía Bắc cho biết sau khi thảo luận, phía PC49 Công an TP Hà Nội quyết định không thực hiện xét nghiệm mẫu vật nữa, mà chỉ thực hiện tiêu hủy lô thuốc bị bắt giữ và xử lí đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật về mặt hàng thuốc BVTV nhập lậu.

* Nhưng dư luận hết sức lo lắng, băn khoăn không hiểu thuốc ấy có độc hay không, độc ra sao? Tại sao các cơ quan chức năng không tiến hành xét nghiệm để công bố cho người dân rõ?

- Lô thuốc bị bắt giữ đã được xác định là thuốc nhập lậu và nằm ngoài danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam, vì vậy theo quy định của pháp luật đối với việc xử lí hàng hóa nhập lậu là buộc phải tiêu hủy toàn bộ lô hàng và xử lí đối tượng buôn lậu theo quy định.

Hiện nay, cũng không có quy định pháp luật nào yêu cầu khi bắt được thuốc BVTV nhập lậu thì buộc phải xét nghiệm xem thuốc đó có hoạt chất gì, độc hại hay không, độc hại sao, mà cứ miễn là hàng nhập lậu thì tiêu hủy...

Về mặt nào đó, tôi cho rằng sự lo lắng của người dân về tính độc hại của mặt hàng thuốc BVTV nhập lậu đó là có lí, vì vậy nếu có điều kiện thì việc xét nghiệm để xác định mức độ độc hại của thuốc BVTV nhập lậu đó ra sao để công bố và cảnh báo cho người dân cũng là điều rất cần thiết.

Năm 2012, Cục BVTV cũng đã từng chỉ đạo Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam xét nghiệm các mẫu thuốc kích thích giá đỗ nhập lậu phát hiện tại TP.HCM để xác định tính độc hại. Tuy nhiên, phải khẳng định để xét nghiệm xem một loại thuốc BVTV nhập lậu độc hại ra sao là việc hết sức phức tạp và không dễ thực hiện.

* Cục BVTV là cơ quan quản lí nhà nước trong việc kiểm tra giám sát, xử lí vi phạm về lưu hành thuốc BVTV trên thị trường, trong đó có thuốc ngoài danh mục, thuốc nhập lậu... Tại sao trong sự việc này, Cục BVTV không xử lí và xét nghiệm mẫu vật bị bắt giữ như đã làm trước đây?

- Đúng là ngành BVTV, trong đó có Thanh tra Cục BVTV có chức năng kiểm tra, giám sát, xử lí vi phạm trong SX, kinh doanh thuốc BVTV lưu trên thị trường, trong đó có thuốc BVTV nhập lậu, thuốc ngoài danh mục... Tuy nhiên, lực lượng đầu tiên bắt giữ, xử lí đối với hàng nhập lậu nói chung là công an, quản lí thị trường, cảnh sát môi trường...

Ở đây, đơn vị bắt giữ, xử lí đầu tiên là PC49 Công an TP Hà Nội, vì vậy theo quy định, vụ việc đã được cơ quan chức năng này xử lí một lần thì cơ quan chức năng khác không có thẩm quyền xử lí lần thứ hai.

 

Vì vậy đối với việc xét nghiệm mẫu vật thuốc BVTV vừa bị bắt giữ, chỉ khi PC49 Công an TP Hà Nội có đề nghị và chi kinh phí cho việc xét nghiệm thì Cục BVTV mới xét nghiệm.


* Ông nói để xét nghiệm một loại thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xem độc hại ra sao là việc hết sức phức tạp và không dễ thực hiện, vì sao vậy?

- Đã là thuốc BVTV nhập lậu nghĩa là ngoài danh mục, không có đăng ký với cơ quan quản lí thuốc BVTV nên không thể biết thuốc đó gồm những hoạt chất gì, hoạt chất ấy độc hại ra sao. Vì thế muốn biết thuốc nhập lậu đó có hoạt chất gì thì chỉ còn cách xét nghiệm toàn bộ danh mục các hoạt chất thuốc BVTV.

Hiện nay thế giới có tới hơn 1.200 hoạt chất thuốc BVTV, kinh phí để xét nghiệm xem có tồn tại mỗi hoạt chất trong một mẫu sản phẩm thuốc thường tốn 300 – 400 nghìn đồng. Vì thế bên cạnh kinh phí xét nghiệm rất lớn, thì thiết bị kỹ thuật, thời gian, công sức cũng rất lớn...

* Nhìn bề ngoài, mẫu thuốc kích thích giá đỗ vừa bị bắt tại Hà Nội rất giống với các mẫu bị bắt trước đây tại phía Nam. Vậy năm 2012, kết quả mà Cục BVTV xét nghiệm mẫu thuốc tại TP.HCM ra sao?

- Kiểm tra các mẫu thuốc kích thích giá đỗ nhập lậu thu được tại TP.HCM năm 2012 cho thấy có sự tồn tại hàm lượng ở mức cao của hoạt chất Cytokinin (hàm lượng 28%). Hoạt chất này thực chất là một hoocmon thực vật có tác dụng kìm hãm sự ra rễ và kích thích phát triển thân, mầm.

Ở Việt Nam, hoạt chất này nằm trong danh mục thuốc điều hòa và kích thích sinh trưởng được phép sử dụng, và không phải là nhóm thuốc BVTV có tính độc nên nguy cơ tồn dư ảnh hưởng đến sức khỏe là rất thấp (dư lượng tối đa cho phép của Cytokinin trên rau là 2.0 ppm).

Tuy nhiên như đã nói, do điều kiện phân tích có hạn nên ngoài hoạt chất Cytokinin, trong mẫu thuốc thu được còn có hoạt chất gì nữa, độc hại ra sao thì không thể biết được.

* Ngoài thuốc kích thích giá đỗ, gần đây báo chí liên tục phản ánh về việc sử dụng thuốc kích thích trên nhiều loại rau, kích thích quả chín siêu tốc... Vậy những thuốc kích thích này độc hại ra sao?

- Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã cấp phép lưu hành tổng số 32 hoạt chất thuốc có tác dụng điều hòa và kích thích sinh trưởng.

Đây đều là các hoạt chất không có hoặc rất ít tính độc, được cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi cho phép sử dụng tại Việt Nam, và mức dư lượng tối đa cho phép đối với các hoạt chất này trên rau thường rất cao (từ 1 – 5 ppm, so với nhóm thuốc BVTV có tính độc chỉ từ 0,01 – 0,1 ppm). Vì vậy, nếu sử dụng quy trình kỹ thuật thì nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe là vô cùng thấp, kể cả khi sử dụng với mức độ cao.

Tuy nhiên ngoài các thuốc kích thích sinh trưởng được phép sử dụng này, cũng có tình trạng nông dân sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng “ngoài luồng”. Theo điều tra của Cục BVTV, các thuốc điều hòa, kích thích sinh trưởng nhập lậu phổ biến nhất là thuốc kích thích giá đỗ, thuốc kích thích trái cây chín (hầu hết là Ethephon), và thuốc kích thích rau ăn lá (hầu hết là GA3).

* Hai loại hoạt chất Ethephon và GA3 ông vừa nói có độc hại không?

- Cả Ethephon và GA3 đều không thuộc nhóm thuốc BVTV có tính độc. Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng mới đồng ý cho phép đưa Ethephon vào danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng được phép sử dụng tại Việt Nam, tương tự GA3 là sản phẩm kích thích sinh trưởng (sử dụng phổ biến trong SX lúa lai) và cũng không xếp vào nhóm thuốc BVTV có tính độc.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo NNVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang